Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, sau 10 năm triển khai đã đạt được nhiều kết quả tích cực và mang tính lịch sử. Đến nay, có 5.350 xã (chiếm trên 60% số xã của cả nước), 152 đơn vị cấp huyện (đạt 22,7%) đạt chuẩn NTM. 

Đảng, Chính phủ xác định giai đoạn 2021 - 2025 phải đưa NTM vừa phát triển toàn diện, vừa bền vững về chiều sâu, thích ứng với bối cảnh mới. Chuyển thách thức thành cơ hội và cuộc Cách mạng 4.0, cách mạng chuyển đổi số chính là thách thức, cơ hội để thúc đẩy nông thôn, nông nghiệp phát triển mang tính bền vững.

{keywords}
Người dân, hợp tác xã và doanh nghiệp nông nghiệp được xác định là trung tâm thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới

Ông Nguyễn Minh Tiến - Cục trưởng, Chánh văn phòng Điều phối NTM Trung ương - chia sẻ, xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, Bộ NN&PTNT, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng có ý tưởng trình Chính phủ xây dựng đề án đưa công nghệ thông tin và chuyển đổi số trở thành một trong những tiêu chí xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025; trong đó tập trung chủ yếu vào hạ tầng kết nối, băng thông rộng và dữ liệu nông nghiệp, nông thôn. Nội hàm của chuyển đổi số là hướng tới một khu vực nông thôn thông minh, trên cơ sở đánh giá thực trạng hiện nay và xu hướng phát triển thiết yếu. Bởi nếu không có sự chủ động, thích ứng thì vùng nông thôn sẽ bị bỏ lại phía sau.

Trên thực tế, việc chuyển đổi số và ứng dựng công nghệ thông tin trong xây dựng NTM đã được manh nha triển khai tại một số địa phương, nhưng chủ yếu mang tính tự phát. Ví dụ, hệ thống tưới cảm biến tự động được áp dụng rất nhiều. Nhiều địa phương cũng đã thí điểm công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát điều hành NTM, hay mới đây nhất là Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm". Nhưng hiện chưa có tiếp cận toàn diện, tổng thể, định hướng dài hơi xem cái gì làm trước, có bước đi, lộ trình một cách bài bản...

Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chính thức có văn bản đề nghị Bộ NN&PTNT đưa nội dung về công nghệ số trong NTM thành một nội dung trọng tâm. Cụ thể, hạ tầng chuyển đổi số sẽ là hạ tầng thiết yếu, bao gồm hạ tầng kết nối băng thông rộng với cáp quang phủ sóng về tận nông thôn, tiếp theo hạ tầng kết nối 4G, tiến đến là 5G. Làm sao mỗi người dân đều được tiếp cận kết nối internet qua các hệ thống kết nối căn bản với chi phí hợp lý. Về thiết bị, cơ quan quản lý nhà nước phải có máy tính, chủ thể phải có thiết bị thông minh để giúp người dân, chính quyền tiếp cận được mạng.

Yếu tố quan trọng và cốt lõi của chuyển đổi số là hạ tầng về dữ liệu. Trên thực tế, chuyển đổi số chỉ phát triển nếu thu thập được cơ sở dữ liệu chuẩn, chính xác, đa dạng. Hệ thống dữ liệu này có thể hưởng thụ khi được chuẩn hóa và kết nối giữa các bộ, ngành, cũng như chia sẻ dữ liệu về đất đai, con người, sức khỏe… Khi có đủ cơ sở dữ liệu số hóa nông thôn sẽ có hàng nghìn doanh nghiệp đầu tư phần mềm trên nền tảng dữ liệu, phần mềm mua bán online, bán thuốc trừ sâu, dịch vụ, phần mềm khảo sát nông nghiệp, nông thôn, ngành hàng...

Vĩnh Sang