Trước đây, ở tỉnh Phú Thọ nguồn vốn tín dụng ưu đãi chỉ tập trung vào các hộ nghèo, hộ cận nghèo, còn các hộ mới thoát nghèo chưa được vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) và cũng khó tiếp cận tín dụng từ các ngân hàng thương mại nên không ít hộ lại tiếp tục tái nghèo sau khi đã thoát nghèo không lâu.
Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 28/2015/QĐ-TTg về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo. Theo đó, hộ mới thoát nghèo được vay 50 triệu đồng/hộ, năm 2019 chương trình nâng mức cho vay lên 100 triệu đồng/hộ.
12 nghìn hộ mới thoát nghèo ở Phú Thọ có điều kiện vươn lên làm giàu nhờ vay vốn tín dụng ưu đãi. |
Theo số liệu thống kê của NHCSXH tỉnh Phú Thọ, tính đến hết năm 2019 số hộ mới thoát nghèo được vay vốn với tổng dư nợ hơn 424 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt trên 1,5 tỷ đồng/xã. Thông qua nguồn vốn đã góp phần nâng số lượng đàn trâu, bò của tỉnh tăng thêm 180 nghìn con; đàn lợn trên 600 nghìn con; gia cầm trên 15 nghìn con; sản lượng nuôi trồng thủy hải sản trên 35 nghìn tấn; trồng gần 10 nghìn ha rừng sản xuất.
Anh Nguyễn Văn Bằng, trú tại xã Sơn Thủy, (Thanh Thủy, Phú Thọ) cho hay, nhiều năm liền, gia đình anh luôn nằm trong diện hộ nghèo của xã.
Năm 2017, gia đình thoát nghèo, vừa mừng nhưng lại vừa lo, lo vì không biết làm gì để có thêm thu nhập. Biết được thông tin Phòng giao dịch NHCSXH huyện có chủ trương cho hộ mới thoát nghèo vay vốn làm ăn. Vì thế anh làm hồ sơ và được hỗ trợ vay 50 triệu đồng. Cùng với số vốn anh chị em trong gia đình cho vay, với diện tích ao hơn 4.000m2, anh đầu tư mua cá giống và cá bột để nuôi, từ đó lợi nhuận hằng năm thu về hơn 300 triệu đồng.
Hịện tại, gia đình anh không còn sống trong cảnh thiếu thốn như trước đây. Không chỉ có điều kiện cho con cái học hành, anh còn mua sắm thêm trang thiết bị để mở rộng quy mô ao cá
Theo ông Bùi Đức Thắng, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Thanh Thủy, (tỉnh Phú Thọ), Chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo đã tạo đà cho các hộ thoát nghèo bền vững; góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Hiện tại, số dư nợ của chương trình trên địa bàn huyện Thanh Thủy đạt hơn 48 tỷ đồng của gần 1.000 hộ mới thoát nghèo.
Thời gian tới, để nguồn vốn chương trình phát huy hiệu quả, Phòng giao dịch NHCSXH tiếp tục chỉ đạo tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm sử dụng vốn, đôn đốc, thu hồi nợ đến hạn. Đồng thời, tiến hành rà soát, nắm danh sách đối tượng có nhu cầu vay vốn để hướng dẫn, tạo điều kiện cho vay, đáp ứng nhu cầu vay vốn của các hộ dân.
Đánh giá về hiệu quả chương trình tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo, ông Nguyễn Thanh Tĩnh - Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Phú Thọ khẳng định, So với các đối tượng vay là hộ nghèo, cận nghèo thì các hộ mới thoát nghèo có khả năng quản lý và sử dụng đồng vốn vay tốt hơn. Thông qua chương trình, các hộ vay tiếp tục có điều kiện để mua sắm tư liệu sản xuất, tạo sinh kế, việc làm, nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững.
Đoàn Bổng
Ảnh: Kim Chi