Từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số

Phú Thọ là tỉnh trung du, miền núi, nơi sinh sống của 34 dân tộc anh em, trong đó dân tộc thiểu số có khoảng hơn 220 nghìn người. Đồng bào dân tộc thiểu số ở Phú Thọ chủ yếu là dân tộc Mường (184.560 người), dân tộc Dao (13.149 người), dân tộc Sán Chay (3.294 người), dân tộc Mông (866 người), ngoài ra là các dân tộc Tày, Giáy, Thái… Các dân tộc thiểu số sống thành làng, bản ở những vùng sâu, vùng xa, dân cư thưa thớt, điều kiện đất đai canh tác không thuận lợi, trình độ học vấn thấp, đời sống của đồng bào gặp nhiều khó khăn, tự túc, tự cấp trong cuộc sống nên tỷ lệ nghèo còn cao.

Những năm qua, vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh. Các chương trình, dự án, chính sách đầu tư, hỗ trợ đã giúp vùng DTTS&MN ngày càng hoàn thiện hạ tầng, văn hóa - xã hội thiết yếu.

Đặc biệt, trong 3 năm qua, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030; trong đó giai đoạn 1 từ 2021-2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ (Chương trình 1719), tỉnh Phú Thọ đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, với nhiều cách làm năng động, sáng tạo mang lại hiệu quả tích cực, góp phần từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Tỉnh đặt ra mục tiêu tăng thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số lên gấp đôi so với năm 2020, giảm tỉ lệ hộ nghèo mỗi năm 2%, đưa ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn.

Theo kế hoạch, vốn đầu tư phát triển theo Chương trình 1719 giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ là trên 1.177 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương trên 962 tỷ đồng, ngân sách địa phương trên 215 tỷ đồng. Tổng số vốn bố trí thực hiện chương trình giai đoạn 2021-2023 là trên 784 tỷ đồng. Đến nay, đã giải ngân trên 331 tỷ đồng (trong đó: vốn đầu tư phát triển gần 299 tỷ đồng; vốn sự nghiệp trên 32,6 tỷ đồng). Các mục tiêu, chỉ tiêu cơ bản đều đạt so với kế hoạch đề ra.

UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình MTQG của tỉnh, giai đoạn 2021-2025; Tổ công tác về Chương trình MTQG 1719 với 26 thành viên thuộc các sở, ban, ngành có liên quan. Đến nay, hệ thống cơ chế các văn bản tổ chức triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 thuộc thẩm quyền của cấp tỉnh cơ bản đã hoàn thành.

Ban Dân tộc và các sở, ngành được giao làm chủ dự án, tiểu dự án đã bám sát các quy định theo phân cấp của các bộ, ngành liên quan để ban hành hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được phân công. Trong quá trình thực hiện, các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, thanh tra, giám sát, kịp thời phát hiện những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện, chỉ đạo UBND cấp huyện thực hiện điều chỉnh các nội dung đảm bảo đúng theo quy định.

Bên cạnh đó, các hoạt động truyền thông, thông tin, tuyên truyền, cung cấp thông tin kịp thời về các chủ trương, chính sách thụ hưởng nói chung, các nội dung thuộc Chương trình nói riêng được đẩy mạnh, từ đó nhiều người dân đã tự nguyện hiến đất, hỗ trợ chính quyền trong công tác giải phóng mặt bằng, thi công các công trình hạ tầng để phục vụ hoạt động sản xuất, đời sống...

Nhờ vào những nỗ lực trong việc giải ngân vốn từ Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Phú Thọ đã xây dựng hàng trăm công trình giao thông, thủy lợi, trường học và cơ sở y tế phục vụ cộng đồng vùng dân tộc, miền núi. Theo đó, đến nay đã có 204 công trình trên toàn tỉnh được hỗ trợ đầu tư, trong đó có 123 công trình giao thông, 8 công trình thủy lợi, 26 công trình trường học và 4 công trình y tế.

W-phutho.png
26 công trình trường học được hỗ trợ đầu tư từ Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025

Đồng bào được tiếp cận các nguồn lực, nhất là cây, con giống, vật tư phân bón, tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhờ vậy năng suất cây trồng, vật nuôi, thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các DTTS ngày một nâng cao, thu hẹp dần khoảng cách giữa vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn với các vùng khác trên địa bàn tỉnh.

Vướng mắc ở đâu, tháo gỡ ở đó

Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh, đến nay đã giải ngân trên 331,3 tỉ đồng (trong đó vốn đầu tư phát triển gần 299 tỉ đồng, vốn sự nghiệp hơn 32,6 tỉ đồng) mới đạt trên 42% kế hoạch.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ giải ngân chậm đối với nguồn vốn Chương trình MTQG 1719. Cụ thể như đối với Dự án 1 về “Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt” nội dung hỗ trợ nhà ở quy định cơ chế đặc thù trong hỗ trợ đầu tư cho các đối tượng chính sách thuộc nội dung của chương trình MTQG, sử dụng vốn đầu tư công để hỗ trợ trực tiếp bằng tiền, không quản lý theo hình thức dự án đầu tư, tài sản hình thành sau đầu tư không là tài sản công.

Tuy nhiên, khi rút kinh phí để chi trả cho hộ đối tượng, do tính chất nguồn vốn giao là nguồn vốn đầu tư nên phía Kho bạc Nhà nước yêu cầu mở mã số dự án đầu tư để thanh toán theo hình thức đầu tư. Do hỗ trợ trực tiếp bằng tiền nên khi mở mã số dự án không có Quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật, phê duyệt dự toán của dự án.

Do vậy, đến nay chưa rút kinh phí để chi trả hỗ trợ cho các hộ dân xây nhà. Hoặc Dự án 2 quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết nguồn vốn đầu tư thực hiện năm 2023 trên 38,4 tỉ đồng, đến hết tháng 9/2023 mới giải ngân được hơn 16,5 tỉ đồng, đạt 42,9%. Nguyên nhân là so với thời điểm khảo sát xây dựng dự án, tại thời điểm hiện tại, một số điểm quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư còn rất ít đối tượng thụ hưởng.

Một số nguyên nhân gây khó khăn nữa như: Định mức các nội dung đầu tư so với thực tế thực hiện còn thấp trong nội dung 1, tiểu dự án 1, thuộc Dự án 4 đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS&MN; trong Dự án 5 phát triển giáo dục - đào tạo (GD&ĐT), nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thì tại Quyết định 1719/QĐ-TTg, ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025, không đề cập đến nội dung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú, không có nội dung chi theo Thông tư hướng dẫn nhưng hướng dẫn của Bộ GD&ĐT lại quy định cụ thể về nội dung này...

Điều này dẫn đến địa phương đã xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện nội dung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên nhưng chưa triển khai được do chưa có quy định về nội dung chi tại Thông tư số 55/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính, khả năng phải hoàn trả ngân sách Trung ương ba tỉ đồng...

Nguyên nhân dẫn đến việc giải ngân chậm đã được xác định rõ. Lãnh đạo tỉnh xác định quan điểm, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Phú Thọ còn rất nhiều khó khăn, vì vậy, nguồn lực của Trung ương trong việc triển khai Chương trình 1719 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tác động to lớn tới sự phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh. Do đó, Phú Thọ sẽ triển khai quyết liệt, nâng cao tinh thần trách nhiệm, bảo đảm nguồn vốn phát huy hiệu quả trong thực tiễn. Vướng mắc ở đâu thì tìm phương án tháo gỡ ở đó

Về phía tỉnh cũng đã có kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu cho phép kéo dài nguồn vốn thực hiện Chương trình MTQG 1719 phân bổ năm 2023 sang năm 2024; sớm sửa đổi, bổ sung một số nội dung còn vướng mắc tại Quyết định số 1719, cho phép tỉnh Phú Thọ điều chỉnh mục tiêu giảm tỉ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS từ 2% xuống còn 1,3% để phù hợp với thực tiễn của tỉnh khi áp dụng theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025.

Đồng thời, có phương án tháo gỡ quy định về việc thực hiện nội dung hỗ trợ đầu tư có thu hồi vốn theo hộ hoặc cộng đồng chăn nuôi, phát triển sản xuất thông qua vay vốn tín dụng chính sách với lãi suất ưu đãi đặc biệt; quy định về Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên là cơ sở giáo dục nghề nghiệp và mở rộng địa bàn thụ hưởng đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để địa phương thuận lợi trong công tác triển khai dự án; bổ sung nội dung cho phép xây mới đối với các hạng mục trường học để đảm bảo mục tiêu đầu tư bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất trường học...

Tại buổi làm việc giữa Ủy ban Dân tộc với tỉnh Phú Thọ mới đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Phú Thọ trong triển khai thực hiện Chương trình 1719, với nhiều cách làm sáng tạo, lồng ghép nguồn lực thực hiện, đảm bảo nguồn vốn đến đúng đối tượng, địa bàn.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đề nghị, tỉnh Phú Thọ tiếp tục phát huy vai trò của các tổ chức chính trị xã hội; sự tham gia, khơi dậy ý thức tự lực, tự cường của người dân; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thực hiện tốt quy chế phối hợp; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành.

Bên cạnh đó, Phú Thọ cũng cần có những đề xuất, tham mưu trong việc sửa đổi, bổ sung cơ chế triển khai thực hiện Chương trình 1719 giai đoạn tiếp theo, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương, cơ sở trong thời gian tới.

Hồng Anh