Các cấp ngành, đoàn thể trong toàn tỉnh đang tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và trong các tầng lớp nhân dân về tiêu chí tiếp cận nghèo đa chiều, mục tiêu giảm nghèo bền vững; khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo, vươn lên khá giả; phát động phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Tỉnh Phú Yên đã ban hành Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 với mục tiêu tập trung chăm lo cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, cận nghèo; tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tại các địa bàn nghèo tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản theo hướng giảm nghèo đa chiều. Các ngành và địa phương trong tỉnh cũng đã từng bước tập trung, chủ động đổi mới cách tiếp cận, các giải pháp hỗ trợ nhằm tiến tới thực hiện giảm nghèo bền vững.

Một trong những giải pháp được tỉnh này thực hiện tốt và hiệu quả là việc hình thành một số vùng sản xuất tập trung. Đó là vùng sản xuất mía ở 3 huyện: Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân, vùng sản xuất sắn ở các huyện Sông Hinh, Đồng Xuân …

{keywords}
Nhờ có nhà máy đường, các gia đình chuyển sang trồng mía, được thu mua toàn bộ.

Việc quy hoạch vùng sản xuất tập trung đã làm tăng diện tích gieo trồng với một loại nông sản, tạo điều kiện nhân rộng cánh đồng mẫu lớn, đầu tư công nghệ hiện đại. Cùng với đó, tỉnh cũng đã đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư, hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, từng bước nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp cho bà con.

Ông Nguyễn Bông, nông dân xã Cà Lúi (huyện Sơn Hòa) cho hay, trước  đây, khi chưa có nhà máy thu mua mía, toàn bộ diện tích sản xuất của gia đình trồng sắn, bắp, thu nhập chỉ đủ chi phí phân thuốc, công lao động. Thậm chí, ông còn bị lỗ nếu gặp thời điểm giá bấp bênh, thương lái không thu mua hoặc ép giá.

Hiện nay, nhờ có nhà máy đường, gia đình ông chuyển sang trồng mía, được thu mua toàn bộ.

Ông Nguyễn Lý Nguyên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên cho biết, việc quy hoạch các nhà máy tiêu thụ hoạt động tại các vùng sản xuất tập trung vừa giúp bảo đảm nguyên liệu cho nhà máy hoạt động, vừa ổn định đầu ra cho nông sản của người dân. Đồng thời, chính quyền các địa phương cũng tập trung triển khai xây dựng thương hiệu nông sản theo Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” để tạo thêm chỗ đứng cho nông sản của bà con trên thị trường.

Bên cạnh việc xây dựng các mô hình sản xuất tập trung, các địa phương còn khuyến khích người dân chuyển đổi những cây trồng truyền thống kém hiệu quả sang những loại cây có giá trị kinh tế cao như sầu riêng hạt lép, cam, quýt, bưởi, mít thái, bơ giống mới, dừa, nhãn… Việc quy hoạch vùng sản xuất tập trung, là cách đa dạng hóa sản phẩm nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.

Hồng Nhì
Ảnh: Thúy Tình