Mười hộ hội viên phụ nữ tại xã Phước Mỹ, huyện Phước Sơn (Quảng Nam) tạo thành một nhóm hội vừa được Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện bàn giao 31 con bò giống nhằm tạo sinh kế, phát triển kinh tế.

Tổng kinh phí 31 con bò giống hơn 590 triệu đồng, được trích từ nguồn kinh phí Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững. Nhóm các hộ tham gia đối ứng 40 triệu đồng bằng hình thức làm chuồng trại kiên cố để chăn nuôi có hiệu quả.

Trong 10 hộ tham gia này có 7 hộ là hộ nghèo, cận nghèo, còn lại 3 hộ gia đình không nghèo (trong đó có hộ Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã) tham gia để làm gương. Trước khi được cấp con giống, các hộ tham gia mô hình phải có quyết tâm thoát nghèo, có đối ứng kinh phí làm chuồng trại, trồng cỏ chăn nuôi bò.

Thông tin tại hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Phước Sơn nhiệm kỳ 2021 - 2026 diễn ra đầu tháng 7 cho thấy, 49 hội viên phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số được Hội Liên hiệp phụ nữ giúp thoát nghèo; gần 1.500 lao động nữ được đào tạo nghề, tập huấn, trang bị kiến thức sản xuất, kinh doanh; 29 chị em được đi xuất khẩu lao động, vượt 277% chỉ tiêu nghị quyết đề ra.

555 chị em được Hội Liên hiệp phụ nữ huyện trao phương tiện sinh kế, tổng kinh phí gần 4 tỷ đồng; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên toàn huyện.

Phước Sơn là huyện miền núi vùng cao của tỉnh Quảng Nam, diện tích đồi núi chiếm 95%. Kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2023 cho thấy toàn huyện Phước Sơn (Quảng Nam) có 1.933 hộ nghèo, chiếm 27,64%. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 28,7 triệu đồng/năm. 

Riêng với đồng bào dân tộc thiểu số, số hộ nghèo năm 2023 là 1.810 hộ (chiếm 93,6% tổng số hộ nghèo toàn huyện); 768 hộ cận nghèo, chiếm 89%.

Năm 2024, huyện được tỉnh giao chỉ tiêu giảm 390 hộ nghèo nhưng huyện phấn đấu giảm ít nhất 400 hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều, đưa tỷ lệ hộ nghèo về dưới 21,92%; tỷ lệ hộ cận nghèo dưới 8,94%.

Tổng kinh phí để huyện Phước Sơn thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2024 là 121,5 tỷ đồng. Những tháng đầu năm, huyện Phước Sơn tập trung chỉ đạo các địa phương tổ chức vận động hộ nghèo mạnh dạn đăng ký thoát nghèo bền vững. Kết quả, 467 hộ nghèo đăng ký, đạt tỷ lệ gần 120% so với chỉ tiêu tỉnh giao. Dự kiến tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2024 giảm về còn 21%.

Tại huyện Phước Sơn, để đồng hành cùng người dân trên hành trình giảm nghèo bền vững, đa chiều, Huyện uỷ ban hành Chỉ thị số 27/2023 triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”.

W-giam ngheo .jpg
Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm” dần giúp người dân đồng bào từ bỏ phong tục tập quán lạc hậu, tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. 

Thực hiện Chỉ thị này, UBND huyện Phước Sơn ban hành kế hoạch thực hiện các chỉ thị, cuộc vận động, phân công các cơ quan đơn vị giúp đỡ các xã trong việc triển khai thực hiện công tác giảm nghèo giai đoạn 2021-2025; kế hoạch thực hiện công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn và hàng năm...

Lãnh đạo huyện Phước Sơn cho biết để thực hiện cuộc vận động hiệu quả, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể các cấp hướng dẫn đồng bào sử dụng có hiệu quả nguồn lực của gia đình, nguồn vốn vay để phát triển kinh tế; áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; triển khai các mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả...

Hội Nông dân huyện phối hợp Ban Dân vận Huyện ủy thành lập mô hình nhóm hộ “Thay đổi nếp nghĩ, cách làm” tại Chi hội Nông dân thôn 2 xã Phước Công. 15 hộ gia đình tham gia đã triển khai giúp nhau cải tạo hơn 15ha đất rẫy, loại bỏ cây trồng kém hiệu quả chuyển sang trồng sắn. Mỗi ha đem lại nguồn thu cho mỗi hộ trung bình 18 triệu đồng, bước đầu đã có 2 hộ thoát nghèo.

Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm” đã dần giúp người dân đồng bào từ bỏ những phong tục tập quán lạc hậu, tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Huyện đặt mục tiêu 100% hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, cận nghèo được tư vấn, hướng dẫn thực hiện 10 nội dung thay đổi nếp nghĩ, 10 nội dung thay đổi cách làm; phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số từ 4 - 5%/năm, đến năm 2030 tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn dưới 10%.