Coi chuyển đổi số là phương thức mới để “đi tắt đón đầu” 

Chia sẻ với kiều bào ở Luxembourg ngày 10/12 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói rằng: “Chuyển đổi số đã len lỏi khắp mọi ngóc ngách cuộc sống của chúng ta”. Thủ tướng kể, trước đây, bà con kiều bào muốn gọi điện thoại hay liên hệ, gửi thư cho người nhà phải mất cả buổi đi đăng ký, qua thủ tục này, giấy tờ kia mới liên hệ được với gia đình. Còn bây giờ đi đâu, chỉ cần có điện thoại đều có thể làm nhiều việc cần thiết. “Từ lúc sinh ra làm giấy khai sinh đến khi chết đi làm giấy khai tử đều liên quan đến chuyển đổi số. Chuyển đổi số đang có mặt ở tất cả lĩnh vực của cuộc sống”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: “Chuyển đổi số đã len lỏi khắp mọi ngóc ngách cuộc sống của chúng ta”

Chuyển đổi số không còn là câu chuyện xa vời mà đã trở thành một thói quen trong sinh hoạt đời sống của mỗi người. Từ công sở ra ngoài chợ đều thấy sự hiện hữu của chuyển đổi số, mang lại lợi ích thiết thực cho cuộc sống của mỗi người dân.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định rõ, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cả nhiệm kỳ này là “đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế”.

Trong các đột phá chiến lược được nêu tại Nghị quyết, Đảng cũng yêu cầu: Chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số.

Trước đó, ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Bộ Chính trị đưa ra mục tiêu cụ thể, đến năm 2025, cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội; thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN trong xếp hạng chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên Hợp Quốc.

Nội dung cốt lõi trong chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư của nước ta là thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên tất cả các ngành, lĩnh vực; thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, trọng tâm là phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số.

Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6 vào tháng 10/2022, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Coi chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá”.

Thông điệp này của Tổng Bí thư sau đó đã được thể hiện rõ trong Nghị quyết số 29 Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trao đổi với VietNamNet, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh một trong những quan điểm chỉ đạo của Đảng nêu trong Nghị quyết số 29: “Chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá”. “Trong bối cảnh tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư thì chúng ta coi chuyển đổi số là phương thức mới để đi tắt đón đầu, đẩy nhanh tiến độ, là một nền tảng rất quan trọng đảm bảo cho sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nói.

Theo phân tích của ông Trần Tuấn Anh, một trong những lý do mà lần đầu tiên Đảng ban hành một nghị quyết riêng về cộng nghiệp hóa, hiện đại hóa là bởi sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với những công nghệ mới, hiện đại, thay đổi nhanh chóng, đang đặt ra nhiều vấn đề mới cho đất nước.

Ưu tiên nguồn lực đầu tư chuyển đổi số

 Trung tâm điều hành thành phố thông minh tỉnh Quảng Ninh.

Nghị quyết số 29 đặt ra chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030: Tỷ trọng kinh tế số đạt khoảng 30% GDP; hoàn thành xây dựng chính phủ số, thuộc nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN về chính phủ điện tử, kinh tế số.

Từ đó, Trung ương đã đặt ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước với nhiều lời giải liên quan đến chuyển đổi số một cách toàn diện ở hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Nhiệm vụ, giải pháp hàng đầu được Đảng đặt ra là “đổi mới tư duy, nhận thức và hành động quyết liệt, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Trong đó, Trung ương xác định nội dung cốt lõi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2021 - 2030 là thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo ra bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế; thực hiện chuyển đổi số toàn diện, thực chất, hiệu quả, bền vững.

Còn trong xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Nghị quyết số 29 nêu rõ: “Xây dựng khung pháp luật cho phát triển kinh tế số, xã hội số, chính phủ số; ban hành cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, các chính sách thí điểm, đặc thù cho các hoạt động phát triển, thử nghiệm và áp dụng các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh doanh dựa trên công nghệ số và nền tảng số”.

Trung ương cũng yêu cầu tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật, đẩy mạnh xã hội hoá để cơ cấu lại các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, nhất là trong các lĩnh vực: Thương mại điện tử, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, y tế, giáo dục, logistics, du lịch, các dịch vụ mới của nền kinh tế số...

Trong các giải pháp nhằm xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, tự lực, tự cường, Đảng xác định ưu tiên nguồn lực và có cơ chế, chính sách khuyến khích đủ mạnh để phát triển những lĩnh vực ưu tiên của các ngành công nghiệp nền tảng, trong đó có công nghệ số. Cụ thể là ưu tiên phát triển trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuỗi khối, điện toán đám mây, Internet kết nối vạn vật, thiết bị điện tử - viễn thông, thiết kế và sản xuất chip bán dẫn.

Để đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn và tiếp tục cơ cấu lại ngành dịch vụ dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, Trung ương nhấn mạnh đến việc thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, thực chất, hiệu quả nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, ưu tiên bố trí nguồn lực và có cơ chế, chính sách đặc thù để xã hội hoá, thực hiện có hiệu quả chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 - 2025.

Chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi

Ở góc độ của cơ quan hành pháp, Chính phủ, Thủ tướng cũng đã ban hành nhiều quyết định cụ thể hóa các chủ trương đường lối của Đảng về chuyển đổi số.

Ngay những ngày đầu năm 2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 06 phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 06).

Thủ tướng yêu cầu huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời phải coi sự tham gia của tổ chức, doanh nghiệp và người dân là yếu tố quyết định; sự hành động đồng bộ ở các bộ, ngành, địa phương là yếu tố bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số. Dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử là cơ sở để chuyển đổi số trong cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Người dân và doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số. Việc triển khai phát triển, ứng dụng dữ liệu dân cư phải gắn với mục tiêu làm giàu dữ liệu, tạo nền tảng cho hoạt động thực hiện chuyển đổi số trong xã hội…

Nội dung trọng tâm của Đề án 06 là đảm bảo cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư “đúng, đủ, sạch, sống” thông qua toàn bộ quá trình khởi tạo, làm sạch, cập nhật, khai thác tiện ích đối với dữ liệu của công dân trong các lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số quốc gia.

Ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 505 lấy ngày 10/10 hàng năm là “Ngày Chuyển đổi số quốc gia”.

Trong năm đầu tiên Ngày Chuyển đổi số quốc gia được tổ chức, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra nhiều thông điệp đáng chú ý: Cùng với xu thế chuyển đổi xanh, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, khách quan đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng và hàng ngày. Chuyển đổi số góp phần phát huy sức mạnh dân tộc và sức mạnh của thời đại, nguồn lực bên trong và bên ngoài, giúp giải quyết hiệu quả các mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội, thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chuyển đổi số còn nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh; hạ giá thành sản phẩm; giảm thủ tục hành chính, phiền hà, thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp; giúp chính quyền các cấp nâng cao năng lực quản lý, điều hành hiệu quả.

Thủ tướng cho biết, Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ triển khai theo hướng chuyển đổi số một cách toàn diện với sự tham gia của người dân, cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan hành chính nhà nước.

“Quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực, nguồn lực của chuyển đổi số. Chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn, và chính họ sẽ tạo ra nguồn lực cho sự phát triển”, Thủ tướng khẳng định.

Từ đó, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, triển khai hiệu quả Chiến lược Chuyển đổi số quốc gia. Phát triển đồng bộ cả về thể chế, hạ tầng số, nền tảng số và nguồn nhân lực số. Cùng với đó là nâng cao tỉ lệ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến; tránh mọi tư duy cát cứ thông tin, số liệu, dữ liệu, cục bộ, sợ mất lợi ích và va chạm…

Gia Nguyễn

Bà Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Nội vụ:

“Chuyển đổi số là xu thế khách quan, cho chúng ta tư duy, nhận thức mới, để sống văn minh hơn, hiện đại hơn và chất lượng cuộc sống được nâng  lên. Chuyển đổi số trong công việc là để thay đổi phương thức làm việc chuyên nghiệp hơn, hiện đại hơn, chất lượng và hiệu quả hơn. 

Quan trọng nhất trong chuyển đổi số là thay đổi tư duy, nhận thức, bởi khi nhận thức đúng thì mới hành động đúng, đảm bảo được yêu cầu góp phần cho công việc của Bộ và xây dựng nền công vụ tốt hơn. Là bộ quản lý nhà nước về công chức, viên chức và tổ chức bộ máy, Bộ Nội vụ không nằm "ngoài cuộc" của tiến trình chuyển đổi số quốc gia mà phải đi nhanh, đảm bảo được yêu cầu góp phần xây dựng một nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả”.

Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước:

“Ngành ngân hàng bước đầu đã đầu tư 15.000 tỷ đồng cho hoạt động chuyển đổi số và thu được những thành quả rất tích cực.  Đến nay, Việt Nam là một trong những nước ứng dụng ngân hàng số hàng đầu, tỷ lệ tăng trưởng đạt 40% chỉ trong thời gian ngắn. Đại dịch Covid-19 vừa qua, các giao dịch trực tuyến “lên ngôi”, thanh toán trực tuyến bùng nổ, quá trình chuyển đổi số ngân hàng cũng được rút ngắn và có những bứt phá thần tốc”.

(Bài đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số Xuân Quý Mão 2023)