Bốn lần gần như chết lâm sàng khi biểu diễn với trăn, mặc bố mẹ khóc cạn nước mắt nhưng NSƯT Tống Toàn Thắng vẫn không từ bỏ đam mê của mình.

Bốn lần đối mặt cái chết của ông hoàng xiếc trăn

Sau giây phút thăng hoa, bừng sáng trên sân khấu cùng tiếng reo hò và tràng vỗ tay không ngớt của khán giả, nam diễn viên xiếc nhanh chóng cùng những người bạn diễn đặc biệt của mình lui vào hậu trường.

{keywords}
NSƯT Tống Toàn Thắng trong một tiết mục xiếc thú. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Ông lột bỏ lớp hóa trang, đưa mấy con trăn vào chuồng, ngồi lặng trong giây lát rồi thay đồ ra về… Ít ai biết, để mua được tiếng cười đó khán giả, những nghệ sĩ như ông đã phải đánh đổi rất nhiều.

Đó là NSƯT Tống Toàn Thắng (Liên đoàn Xiếc Việt Nam). Ông được khán giả yêu mến đặt cho biệt danh “ông hoàng xiếc trăn xuyên thế kỷ”.

Vào nghề gần 40 năm, dù hiện giữ chức vụ quản lý nhưng ông vẫn tiếp tục đam mê cháy bỏng của mình với lĩnh vực xiếc thú và truyền lửa nghề cho các thế hệ.

{keywords}
Nghệ sĩ Toàn Thắng được xem là người đầu tiên đưa trăn vào biểu diễn xiếc ở Việt Nam. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Có thể nói ông là người đầu tiên đưa trăn vào biểu diễn xiếc ở Việt Nam. Các khán giả thường thấy ông trong tạo hình của một người hùng cao lớn, cơ bắp cuồn cuộn, cùng những con trăn khổng lồ đu bám trên người.

Mỗi màn biểu diễn của ông đều khiến người xem nín thở, hồi hộp theo dõi đến khi kết thúc.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình lao động bình thường ở Hà Nội, ông Thắng là con trai một. Vì vậy khi nghe con trai nói muốn đi học xiếc, bố mẹ ông có nhiều trăn trở.

Nhất là khi người trong họ theo nghề này bị tai nạn do tập luyện, bố mẹ ông Thắng càng có lý do để phản đối.

Thế nhưng trước quyết tâm của con trai, năm ông Thắng lên 11 tuổi, bố mẹ ông đành gửi con vào học tập và sống tại trường Trung cấp nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam ở khu Mai Dịch (Hà Nội).

Ông được học các bộ môn cơ bản của xiếc như thăng bằng, nhào lộn, tung hứng… Nhờ thầy giáo hướng dẫn, tư vấn, ông quyết định chọn 2 lĩnh vực là  thăng bằng và nhào lộn để theo đuổi.

“Muốn thực hiện được các thao tác đó, đòi hỏi người diễn viên phải khổ luyện, đổ mồ hôi trên sàn tập.

Việc chúng tôi bị chấn thương xảy ra như cơm bữa. Xiếc là nghề đặc thù, nghề lấy sự nguy hiểm để mang đến những trải nghiệm thú vị cho khán giả.

Nói đến xiếc là nói đến những gì người thường không làm được. Ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh.

Để mua được những nụ cười khán giả, diễn viên xiếc phải đối mặt với nhiều rủi ro. Nhẹ thì chấn thương, nặng thì vĩnh viễn không làm nghề được nữa.

Ngay Liên đoàn tôi đang công tác, có trường hợp diễn viên đu dây Tuyết Hoàn gặp nạn. Theo nghề cũng hơn 20 năm có lẻ, cách đây 5 năm, trong lần tập luyện, nữ diễn viên này bị ngã từ độ cao 2 mét xuống đất.

Việc bị ngã từ độ cao đó không quá xa lạ với các diễn viên đu dây. Nhưng không ngờ sau tai nạn đó, cô phải làm bạn với chiếc xe lăn, rời xa ánh đèn sâu khấu”, NSƯT Tống Toàn Thắng bộc bạch.

{keywords}
Các nghệ sĩ của Liên đoàn Xiếc Việt Nam trong vở kịch xiếc "Hà Nội của những ước mơ" do NSƯT Toàn Thắng đạo diễn. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Ông Thắng trải lòng, dẫu những đánh đổi đó vô cùng nghiệt ngã nhưng lửa đam mê của ông và các nghệ sĩ xiếc chưa bao giờ nguội lạnh.

Năm 1983, nghệ sĩ Tống Toàn Thắng ra trường, về công tác tại Liên đoàn Xiếc Việt Nam.

Trải qua những tháng ngày gian khó, gặp khủng hoảng về kinh tế, đã có lúc ông phải đấu tranh tư tưởng giữa đam mê và cơm áo gạo tiền để bám trụ được với nghề.

Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, ông Thắng bắt đầu đưa trăn vào tập và biểu diễn xiếc. Tiết mục của ông không ngờ nhận được sự đón chào nồng nhiệt của khán giả.

Sau đó, ông cùng những người bạn đặc biệt của mình đi vòng quanh thế giới, đặt chân đến nhiều nước biểu diễn. 

Các truyện cổ tích như Thạch Sanh đánh trăn tinh được kể một cách sống động, hấp dẫn qua các màn biểu diễn xiếc điêu luyện, dàn dựng công phu… Qua đó, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam tới nước bạn.

Thành công vang dội, nhiều cơ hội mời ông ở lại nước ngoài, tuy nhiên ông đã quyết định từ chối bởi mong muốn xây dựng nghệ thuật xiếc tại Việt Nam quá lớn.

Chia sẻ về công việc huấn luyện trăn diễn xiếc, ông Thắng cho biết: “So với xiếc người, xiếc thú cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm không kém. Bản thân tôi trong quá trình biểu diễn từng đối mặt 4 lần sinh tử, gần như chết lâm sàng”.

Kể về những lần thoát chết trong gang tấc đó, Nghệ sĩ Toàn Thắng bồi hồi nhớ lại.

“Đó là lần tôi bị bạn diễn quấn chặt quanh người. Tôi càng gồng, càng bị chúng xiết mạnh, đến mức không thở nổi. Lúc đó, khán giả thấy 7 chú trăn to lớn, quấn quanh người diễn viên thì họ phấn khích, vỗ tay rào rào”.

Vì không muốn để buổi biểu diễn xảy ra sự cố, ảnh hưởng đến màn biểu diễn sau của đồng nghiệp, ông Thắng cố gắng trụ vững rồi tìm cách lùi dần vào phía màn sân khấu.

Chỉ khi biết mình đã khuất tầm nhìn khán giả, nghệ sĩ này mới cho phép cơ thể đổ ập xuống sàn.

Mọi người thấy mặt ông tím tái, kiệt sức thì tìm cách gỡ những chú trăn ra và khẩn trương hồi sức, kích tim cho ông hồi tỉnh. May mắn, ông qua được cơn nguy kịch, gượng dậy ra ngoài sân khấu chào khán giả.

Bố mẹ biết chuyện, khóc cạn nước mắt khuyên con trai tìm công việc khác làm nhưng ông vẫn kiên định với sự lựa chọn của mình.

Những bí mật trong nghề

Ông Thắng chia sẻ thêm, những người làm nghề như ông còn có một “mùi cơ thể” không dễ chịu cho lắm. Mùi này hình thành trong quá trình gần gũi, tiếp xúc với các động vật do họ nuôi dưỡng.

{keywords}
Nghệ sĩ Tống Toàn Thắng cùng chú trăn có màn biểu diễn trong"Hà Nội của những ước mơ". Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Họ tuyệt đối không được dùng nước hoa để khử mùi hôi đó. Bởi các loài thú dữ, con nào cũng có những phần “ác” nhiều hơn phần “thiện”. Muốn làm bạn với chúng, bắt buộc phải có mùi này.

Chính mùi hương đó giúp các con thú nhận biết người diễn với mình. Nếu không chúng có thể quay ra tấn công mình. Tuy nhiên nếu bạn đời của những nghệ sĩ này không thực sự thấu hiểu và thông cảm, sẽ rất dễ nảy sinh mâu thuẫn trong hôn nhân.

"Thỉnh thoảng tôi có thả những chú trăn mình nuôi ra, cho chúng bò trườn quanh nhà. Đặc biệt, chúng thường bò đến gần những chỗ nào có quần áo tôi mặc. Đó là do trên quần áo có mùi cơ thể của tôi".

Nhớ lại câu chuyện thương tâm trong nghề, ông Thắng kể: “Thời gian ở nước ngoài, tôi từng nghe câu chuyện, có nữ diễn viên huấn luyện một chú hổ 15 năm. Tình cảm chú hổ dành cho chủ rất tốt".

Người huấn luyện này cùng chú hổ tạo nên những màn biểu diễn tuyệt vời, được khán giả đón nhận.

Trong một lần đi hẹn hò với bạn trai, nữ diễn viên này có xịt chút nước hoa. Khi biểu diễn, do có mùi lạ, nên chú hổ bất hợp tác và trong cơn thú tính, đã nhảy vào tấn công khiến nữ diễn viên phải bỏ mạng.

Bên cạnh đó, các nghệ sĩ huấn luyện thú hoang dã thường xuyên bị “bạn diễn” tát, cắn hoặc cào cấu khi cảm xúc của chúng không kiềm chế được. Tay chân những người làm nghề này do đó không thiếu những vết sẹo chằng chịt.

Vẫn theo lời ông Thắng, dạy thú không có giáo trình chung bởi mỗi con vật đều có đặc tính, sở thích riêng, kể cả cùng một loài cũng không con nào giống nhau.

"Người dạy phải tinh tế, hiểu và nắm bắt được yếu tố đó của chúng. Vì vậy không thể mang phương pháp huấn luyện con vật này áp dụng sang con khác", ông Thắng nói.

Chuyện buồn trong đám tang đại gia ám ảnh phó nháy

Chuyện buồn trong đám tang đại gia ám ảnh phó nháy

Cuộc chiến tranh giành tài sản ngay trong đám tang vị đại gia bất động sản đến nay vẫn ám ảnh tâm trí người thợ ảnh.

Cuối đời cô đơn của nghệ sĩ lừng lẫy Sài thành

Cuối đời cô đơn của nghệ sĩ lừng lẫy Sài thành

Trong mỗi phòng ở khu dưỡng lão này, những tấm hình thuở vàng son của họ được treo đầy trên vách. Những nụ cười, những ánh mắt của một thời vang bóng được lưu giữ như báu vật.

Cuộc trùng phùng đặc biệt sau 20 năm của cựu tù và cán bộ quản giáo

Cuộc trùng phùng đặc biệt sau 20 năm của cựu tù và cán bộ quản giáo

Nghỉ hưu, ông Túy gắn bó với công việc chụp ảnh dạo trên hồ Gươm (Hà Nội). Tại đây, thợ ảnh này đã có cuộc trùng phùng đầy bất ngờ với người quen cũ.

Hải Phong