Dọn đồ, lau phòng đón người cách ly

Đều đặn ngày ba lần, sáng, trưa, chiều, Đại úy Trương Lê Sỹ Trường Thi, 40 tuổi, đang công tác tại Ban chỉ huy quân sự Quận 4, Bộ Tư lệnh TP.HCM cùng 30 chiến sĩ dân quân mang đồ ăn, vận chuyển rác… cho toàn bộ tòa nhà H, khu cách ly KTX Đại học Quốc gia TP.HCM. 

Đại úy Thi cho biết, sáng 18/3, anh nhận lệnh, cùng 30 đồng chí khác xuống khu cách ly làm nhiệm vụ. Anh được giao làm đội trưởng tòa nhà H. ‘Sáng sớm, vừa vào đến đơn vị, tôi nhận lệnh và chấp hành luôn, không kịp báo cho vợ, bố mẹ biết’, Đại úy Thi kể.

{keywords}
Đại úy Trương Lê Sỹ Trường Thi. Ảnh: Trương Thanh Tùng.

May mắn, anh có mẹ làm điều dưỡng, bố cũng là bộ đội nên ông bà hiểu, nhiệm vụ của con trai đang làm là góp phần giúp đất nước nhanh chóng dập tắt dịch bệnh. Còn vợ anh thì nhắn tin động viên chồng: ‘Nhiệm vụ lần này nguy hiểm, nhưng em tin anh sẽ làm tốt’.

Đến trưa, đội quân của anh Thi xuống đến ký túc xá. Trời Sài Gòn giữa trưa nắng như đổ lửa. Tòa nhà H lúc đó ngổn ngang đồ dùng của các bạn sinh viên. Trên tường, dưới nền nhà bụi bám đầy, vì sinh viên về quê lâu ngày.

Chỉ kịp bỏ chiếc ba lô đựng đồ dùng xuống, các chiến sĩ sắn tay áo dọn dẹp. Họ phân nhau xếp đồ dùng, đóng gói, phân loại, đánh số thứ tự, ghi tên sinh viên lên thùng rồi vận chuyển vào kho cất, lau dọn phòng, khử trùng để đón người cách ly vào ở.

{keywords}
Các anh bộ đội mang thùng giấy đi đóng gói đồ cho sinh viên. Ảnh: Trương Thanh Tùng.

‘Làm nhiệm vụ ở khu cách ly, hầu hết là các chiến sĩ trẻ, chưa có kinh nghiệm. Khi mới đến, nhìn đống đồ ngổn ngang, chất như núi ai cũng mệt mỏi, chán nản. Tôi phải mang kỷ luật quân đội để xốc lại tinh thần anh em’, Đại úy Thi kể.

Bắt đầu từ ngày 18/3, liên tục có xe chở người từ sân bay Tân Sơn Nhất đến ký túc xá thực hiện việc cách ly. Lượng đồ dùng của sinh viên chưa vận chuyển xong, Trung tá Vũ Văn Đảm (Chính trị viên phó, Ban chỉ huy quân sự quận Bình Thạnh phụ trách tòa nhà G, khu cách ly) cùng đồng đội đã nhận nhiệm vụ mới là đón, vận chuyển hành lý cho người cách ly, hướng dẫn họ nhận phòng, các đồ dùng cần thiết.

{keywords}
Trung tá Vũ Văn Đảm. Ảnh: Trương Thanh Tùng.

Để người cách ly ổn định, bắt nhịp với nơi ở mới, các anh bộ đội, dân quân tự vệ phải làm việc xuyên ngày đêm. ‘Lượng đồ phải vận chuyển quá nhiều, anh em thì ai cũng mệt. Có em, vì mệt mà không ăn nổi cơm, nhưng vẫn phải tiếp tục 'chiến đấu' với lượng đồ dùng của sinh viên và phải tuân thủ, không được để đồ dùng của các em sinh viên thất lạc, mất, nhầm địa chỉ’, Trung tá Đảm nói.

Đến 6 giờ sáng ngày 20/3, việc vận chuyển đồ dùng của sinh viên vào kho và hành lý của người cách ly đến đúng nơi quy định mới hoàn tất. ‘Làm việc xuyên đêm, các anh em ai cũng bơ phờ. Lúc đó, phòng dành riêng cho bộ đội đang tiến hành khử khuẩn.

Có một vài chiến sĩ, mới đi làm nhiệm vụ, vì quá mệt đã trải chiếu ngoài hành lang nằm ngủ, có em, trên người vẫn còn bộ đồ bảo hộ. Người cách ly ở tòa nhà đã chụp được rồi đăng lên mạng. Cũng may, hình ảnh đó nhận được ý kiến tích cực của nhiều người’, Trung tá Đảm thông tin.

{keywords}
Vừa di chuyển đồ cho sinh viên, vừa phải vận chuyển đồ cho người cách ly nên nhiều chiến sĩ mệt đến nỗi không ăn nổi cơm, phải uống nước cầm cự. Ảnh: Trương Thanh Tùng.

Mướt mồ hôi vận chuyển đồ tiếp tế

Nói về chuyện tiếp tế ở khu cách ly, Đại úy Thi cho biết, đó là những ngày các đồng đội của anh từ sáng đến tối khuya phải mướt mồ hôi vận chuyển hàng giúp người cách ly. Có chiến sĩ, vì làm việc quá mệt nên dù đói nhưng không ăn nổi cơm, phải uống nước cầm cự.

‘Lượng hàng tiếp tế mấy ngày đầu rất nhiều. Gia đình người cách ly mang cho con từ cái thau giặt đồ, móc quần áo, bàn chà nhà vệ sinh, tủ lạnh, quạt máy. Có người còn gửi cả bia, đồ nhậu, thậm chí cả thuốc lá… vào cho người thân. Anh em chúng tôi phải kiểm tra, phân loại, số phòng, tên người nhận rồi mang đến cho họ. Mặt hàng nào thuộc hàng cấm sẽ bị loại, vậy mà họ vẫn giấu bia trong đồ dùng gửi vào được’, Trung tá Đảm kể.

{keywords}
Những ngày đầu, hàng trăm xe ô tô chở đồ tiếp tế đến cho người cách ly. Ảnh: Trương Thanh Tùng.

Còn Đại úy Thi kể: ‘Một vài em du học sinh còn quá trẻ, quen sống trong điều kiện khá giả nên mới đến khu cách ly thấy khó chịu, chê bẩn. Được ba mẹ gửi đồ vào, các em muốn mình được ưu tiên. Không được, các em vùng vằng, mắng mỏ. Một vài chiến sĩ trẻ làm việc cả ngày mệt nên đã có phản ứng lại, khi được nhắc nhở, các em chấn chỉnh ngay’.

Theo Đại úy Thi, khi nhận nhiệm vụ làm việc trong môi trường này, các chiến sĩ phải xác định vất vả, đối mặt với nguy hiểm. Vì thế, mỗi ngày, anh dành ra 5-7 phút để nhắc nhở cấp dưới phải biết bảo vệ mình trước virus và dùng ‘cái đầu lạnh’ để làm việc.

'Từ hôm vào đây làm việc, anh em chúng tôi không biết ngày nào là ngày nghỉ, ngày lễ, chỉ biết trời sáng là làm việc, tối thì chia nhau ngủ. Thời gian cắt tóc cũng không có nữa', đưa tay chỉ lên mái tóc dài chưa cắt, Đại úy Thi nói.

{keywords}
Lượng đồ tiếp tế nhiều, các chiến sĩ phải mướt mồ hôi làm việc. Ảnh: Trương Thanh Tùng.

Đại úy Thi kể, khi khu cách ly có thông báo, chỉ nhận đồ tiếp tế thật cần thiết và sẽ theo giờ quy định, một ông bố đi xe ô tô chở đồ đến khác giờ đã không được chấp nhận. Năn nỉ đưa đồ vào cho con không được, ông gặp anh dân quân phản ứng, chê trách người này làm ở vị trí nhỏ nên không có quyền.

Dù vậy, anh dân quân chỉ biết lắng nghe và mong người đàn ông thông cảm, vì khu cách ly đã có quy định. Người đàn ông thấy vậy cùng nhận ra mình sai, xin lỗi rồi ra xe chở đồ về lại.

{keywords}
Người cách ly trong ký túc xá. Ảnh: Trương Thanh Tùng.

‘Bên cạnh đó, có nhiều người cách ly dễ thương lắm. Các em thấy chúng tôi làm mệt thì đến gần xin được phụ giúp, không được thì thủ thỉ: ‘Em cảm ơn các anh. Các anh đã vì tụi em mà vất vả. Em thấy có lỗi với các anh rất nhiều. Xong, họ làm thơ, đánh đàn, hát, nhảy múa giúp chúng tôi được vui’, Đại úy Thi kể. Anh cho biết, những điều đó đã giúp anh và các đồng đội xua đi những mệt mỏi trong công việc đang làm.

Sáng 8/4, ở khu cách ly có hơn 1.000 người được về nhà sau khi đủ thời gian thực hiện cách ly và có các kết quả âm tính. Như vậy, tổng cộng đã có gần 4.000 người ở khu cách ly này hoàn thành thủ tục cách ly và được trở về nhà.

{keywords}
Các chiến sĩ giúp người cách ly vận chuyển ra xe để về nhà. Ảnh: Trương Thanh Tùng.

Phụ giúp người cách ly vận chuyển đồ dùng ra xe đi về, anh Thi thấy như mình đang sắp phải chia tay một người thân để họ đi xa.

Dưới gốc cây si trong khuân viên ký túc xá, Trung tá Đảm pha một ấm trà, gọi các đồng đội khác vào ngồi uống, nghỉ một lúc. Anh cho biết, có thể vài ngày nữa nhiệm vụ của anh ở đây sẽ hoàn thành, hoặc cũng có thể sẽ tiếp tục đón đợt người mới vào thực hiện việc cách ly. Nhưng dù thế nào thì anh và các đồng đội sẽ cố gắng làm tốt nhiệm vụ được giao. 

Kỳ tích 32 ngày cách ly của em bé 10 tháng tuổi

Kỳ tích 32 ngày cách ly của em bé 10 tháng tuổi

Lần thứ nhất, New New cách ly cùng mẹ ở Campuchia 15 ngày. Trở về Sài Gòn, em cùng mẹ đến KTX Đại học Quốc gia TP.HCM cách ly 17 ngày nữa.  

Tú Anh - Trương Tùng - Đoàn Nga