Ngày 13/12, “Diễn đàn BĐS 2022: Proptech - Xu hướng tất yếu của thị trường” do báo Thanh Niên tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội, mô tả bức tranh toàn cảnh về quá trình chuyển đổi số, tác động, cơ hội của hoạt động này đối với ngành BĐS cũng như thách thức của các công ty proptech; đồng thời gợi mở những giải pháp, khuyến nghị cho các doanh nghiệp chủ động thích ứng để chuyển đổi số thành công. 

 Toàn cảnh Diễn đàn BĐS 2022

Các doanh nghiệp tham gia đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ hơn. Theo ông Nguyễn Đức Minh - Giám đốc khối Nghiệp vụ doanh nghiệp và Tư vấn giải pháp FPT Digital, tính tới thời điểm hiện tại, Việt Nam có khoảng 150 công ty khởi nghiệp proptech, 500 triệu USD là số tiền gọi vốn trong giai đoạn từ cuối năm 2021 tới đầu năm 2022 thông qua các thương vụ Reti, MGi Proptech, Houze, Homebase, Citics. Tuy chưa doanh nghiệp nào đạt danh hiệu kỳ lân, nhưng lĩnh vực này được đánh giá là mảnh đất màu mỡ và còn nhiều tiềm năng phát triển. 

“Với sự nổi lên của thế hệ gen Z và những trào lưu công nghệ mới trong các lĩnh vực thiết yếu khác thì xu hướng ứng dụng công nghệ cao trong ngành BĐS sẽ tăng nhanh trong tương lai gần, đặc biệt là các công nghệ có ứng dụng hướng tới nâng cao trải nghiệm khách hàng”, ông Minh nhận định.

Ông Dương Quang Anh - Giám đốc phát triển khách hàng OneHousing cho rằng: “Thị trường Việt Nam mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng cho thấy nhiều thử thách, chông gai. Thử thách lớn nhất dành cho các công ty proptech Việt Nam là công nghệ không có đường biên giới, nó sinh ra để phá bỏ các đường biên”. 

Ông Hoàng Mai Chung - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Meey Land chia sẻ: “Thị trường BĐS hiện nay tồn tại nhiều vấn đề như: thời gian giao dịch chậm, thiếu minh bạch về thông tin pháp lý, chi phí hoạt động cao, chưa có công cụ để đo lường, tính toán, định giá nên thanh khoản chậm, nợ đọng kéo dài, khó thu hồi vốn, dòng tiền lưu thông kém đối với các chủ đầu tư, hiệu quả công việc thấp bởi phương thức thực hiện thủ công của các nhà môi giới, khó khăn trong xử lý, phát mãi tài sản đảm bảo tại các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng…Bởi vậy, chuyển đổi số chắc chắn là xu hướng tất yếu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hứa hẹn sự chuyển mình, ‘đổi đời’ của các doanh nghiệp”. 

 Ông Hoàng Mai Chung - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Meey Land

Theo ông Chung, nếu mô hình phát triển các sản phẩm truyền thống chỉ quan tâm đến số lượng tài khoản và lượt truy cập để đánh giá mức độ thành công thì tại mô hình hệ sinh thái công nghệ số, dữ liệu (Data) được coi là cốt lõi để phát triển. Bởi lẽ, những dữ liệu thu thập được sẽ là cơ sở để ứng dụng nhiều công nghệ 4.0 khác nhau như Blockchain, AI, Big Data, VR/AR/360, GIS có thể xác định được đối tượng, nhu cầu thông qua hành vi của người dùng để tập trung phát triển những sản phẩm, tính năng phù hợp.

“Hệ sinh thái công nghệ - tài chính BĐS Meey Land của chúng tôi bao gồm 26 sản phẩm đặc thù phục vụ riêng biệt cho ngành Proptech - công nghệ BĐS có các ứng dụng như meeyland.com, Meey Land App, Meey Map, Meey CRM… Meey Land có nền tảng các sản phẩm công nghệ đa dạng cùng kiến trúc hệ thống dữ liệu tối ưu được sử dụng trên nền tảng định danh ID và bản đồ số, sử dụng các công cụ AI để phân tích dữ liệu nhằm xây dựng mô hình cho các hạng mục giá trị gia tăng trong hệ sinh thái”, ông Chung cho hay. 

Ông Chung cho biết, thời gian tới, Meey Land sẽ mở rộng hợp tác với một số đơn vị viễn thông, cơ quan nhà nước ở các hạng mục chủ đạo như: bản đồ số; cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư kết nối qua kênh chuyên ngành trong việc xác thực và định danh điện tử, kết nối dữ liệu quốc gia về đất đai, tài chính, doanh nghiệp; tra cứu thông tin sổ hồng, sổ đỏ trực tuyến; triển khai tích hợp hệ thống tổng đài AI Center, Cloud PBX với các sản phẩm trong hệ sinh thái Meey Land; triển khai giải pháp cho hệ thống sản phẩm và dịch vụ BĐS…

Xuân Thạch