Tiền thân là Xí nghiệp Dịch vụ Cơ khí Hàng hải, PTSC M&C khi mới thành lập chỉ có 67 cán bộ, công nhân viên, với nhiệm vụ đầu tiên là thiết kế chế tạo Block 140 man (LQ-CPC99) cho Xí nghiệp Liên doanh dầu khí Vietsovpetro.

 Cuối năm 2005, lần đầu tiên PTSC M&C được mời tham gia đấu thầu quốc tế dự án Bunga Tulip A. Để nắm chắc cơ hội mở ra cánh cửa tương lai, PTSC M&C đã phải giảm giá thầu thấp nhất có thể. Bằng những biện pháp thi công tối ưu để hạ tối đa chi phí chế tạo, tháng 7/2006, dự án Bunga Tulip A hoàn thành.

{keywords}
 Hạ thủy khối thượng tầng giàn Công nghệ trung tâm Hải Thạch (PQP-HT)

Cái tên PTSC M&C dần trở nên quen thuộc trong các cuộc đấu thầu khu vực. Giữa năm 2007, PTSC M&C lại tiếp tục thắng thầu dự án Sư Tử Đen Đông Bắc của Cửu Long JOC, mở ra hàng loạt dự án tầm cỡ quốc tế có độ khó về kỹ thuật, giá trị kinh tế cao. Nhà cung cấp dịch vụ kỹ thuật dầu khí này đã liên tiếp hoàn thành các dự án phát triển mỏ Chim Sáo của Premier Oil, dự án Tê Giác Trắng của Hoàng Long JOC. Tiếp đó là dự án khổng lồ Biển Đông 01 trị giá hơn nửa tỉ đô la của Biển Đông POC.

Dự án Biển Đông 01 gồm các hạng mục Chân đế và giàn Công nghệ trung tâm Hải Thạch, Chân đế và giàn Mộc Tinh 1, cầu dẫn với khoảng 70km đường ống, 20km cáp ngầm. Tổng khối lượng chế tạo, lắp đặt của dự án lên tới trên 60.000 tấn, trong đó riêng chân đế giàn Công nghệ trung tâm Hải Thạch nặng trên 16.000 tấn, khối thượng tầng giàn công nghệ trung tâm nặng trên 12.000 tấn.

{keywords}
PTSC M&C: Khẳng định thương hiệu cơ khí hàng hải Việt Nam

Để hoàn thành giàn Công nghệ trung tâm Hải Thạch, PTSC M&C đã phát huy nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đã được tích lũy hiệu quả và dùng rất nhiều bản vẽ thiết kế chi tiết, phức tạp. Trong thời gian thi công cao điểm, Ban Quản lý dự án đã phải huy động nguồn lực trên 3.000 cán bộ kỹ sư, công nhân lao động tay nghề cao, làm việc 24/24h để đáp ứng thực hiện hoàn thành dự án đảm bảo tiến độ, an toàn, chất lượng và hiệu quả công trình thi công.

Tiếp nối thành công tại các dự án quan trọng và kỹ thuật phức tạp, giữa năm 2013, PTSC M&C đã chính thức ký hợp đồng với nhà thầu chính AFCONS gói Mua sắm vật tư chính và thi công, tiền chạy thử Khối thượng tầng Giàn công nghệ Heera (HRD), nằm trong Dự án phát triển mỏ Heera của chủ đầu tư ONGC tại vùng biển Mumbai (Ấn Độ). Đây là dự án chế tạo giàn công nghệ đầu tiên và lớn nhất tại thời điểm đó do PTSC M&C thực hiện cho khách hàng nước ngoài thông qua thắng thầu quốc tế. Thành công của PTSC M&C tại dự án này đã trở thành mốc son của ngành cơ khí hàng hải Việt Nam khi lần đầu tiên chế tạo được giàn khoan "xuất khẩu" ra thế giới.

Từ năm 2014 đến 2017 là giai đoạn PTSC M&C liên tiếp trúng thầu và thực hiện hàng loạt dự án cho các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt phải kể đến các dự án lớn như Dự án MLS của Total E&P Borneo B.V (Brunei), Dự án Ghana OCTP Offshore FPSO (Ghana), Dự án Greater Enfield cho Technip và mới đây nhất là hoàn thành Dự án Daman cho chủ đầu tư ONGC (Ấn Độ).

Năm 2018, PTSC M&C tiếp tục khẳng định năng lực đi đầu trong lĩnh vực cơ khí hàng hải Việt Nam khi trúng thầu hợp đồng EPCI trị giá 330 triệu USD cho dự án phát triển mỏ Gallaf (Al Shaheen) do Nhà điều hành dầu khí North Oil Company (Qatar) làm chủ đầu tư. Theo hợp đồng này, PTSC M&C sẽ thiết kế, mua sắm, chế tạo (bao gồm công tác hoán cải, nâng cấp các giàn hiện hữu), tiền chạy thử hoàn thiện, hạ thủy, vận chuyển và lắp đặt, đấu nối chạy thử và hoàn thiện ngoài khơi cho các hạng mục: 3 khối thượng tầng giàn khoan; 3 cầu dẫn; hoán cải các giàn hiện hữu để kết nối các giàn mới, cầu dẫn.

Công tác thiết kế chi tiết do các kỹ sư của PTSC M&C trực tiếp triển khai và giao lại một phần nhỏ cho Technip FMC (Technip Vietnam) thực hiện. Theo lãnh đạo PTSC, việc thực hiện công tác thiết kế chi tiết tại Việt Nam đã mang lại lợi ích lớn cho lĩnh vực cơ khí nói chung và cơ khí chế tạo dầu khí nói riêng. Đó là tiến độ thực hiện các dự án không còn bị động và phụ thuộc như trước.

Lãnh đạo PTSC cho biết, bằng nguồn lực thực hiện và giám sát tại chỗ, PTSC M&C có thể kiểm soát được các sai sót, kiểm soát các thay đổi và khắc phục ngay trong văn phòng bãi thi công, nên làm chủ được tiến độ. Nếu như trước đây, thi công một chân đế (jacket) lớn phải mất 10-11 tháng, thì nay chỉ còn khoảng 5 tháng; thi công khối thượng tầng (topside) trước đây từ 16-18 tháng, nay có thể rút xuống chỉ còn 9-10 tháng.

Việc chủ động được thiết kế cũng giúp tiết giảm chi phí đáng kể nhờ giảm được việc phải điều động hàng chục cán bộ quản lý dự án, chuyên viên, kỹ sư sang giám sát, thực hiện công việc thiết kế, mua sắm ở nước ngoài. Việc mua sai, mua thiếu, làm sai, chi phí phát sinh... được hạn chế ở mức thấp nhất, hao phí trong thi công được giảm thiểu. Đây cũng là cơ sở để nhà thầu PTSC M&C vẫn giữ được mức giá nhận thầu khá cạnh tranh, tiếp tục đấu thầu các dự án nước ngoài.

Theo đại diện PTSC, trong bối cảnh hiện nay, đối với các gói thầu đấu thầu quốc tế, PTSC M&C có thể chủ động chọn liên danh cho mình, khẳng định thương hiệu. Đây là một vị thế mà rất nhiều mồ hôi, công sức của đội ngũ kỹ sư, thợ lành nghề cơ khí hàng hải dày công vun đắp.

Trúc Lâm

(Nguồn: PVN)