Hạt vừng (mè) rất phổ biến và được dùng nhiều trong việc chế biến món ăn ở Việt Nam. Nhiều người còn cho rằng loại hạt này còn có nhiều tác dụng đối với sức khoẻ. Xin bác sĩ tư vấn tác dụng cụ thể của loại hạt này là gì? (Thu Hoài, quận 3, TP.HCM).
Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - Cơ sở 3, tư vấn:
Hạt vừng (mè) có mùi thơm đặc trưng, vị bùi béo, là loại hạt quen thuộc được sử dụng từ lâu trong ẩm thực Việt Nam. Người ta cũng dùng vừng để ép dầu có giá trị dinh dưỡng cao.
Theo Đông y, vừng vị ngọt, tính bình đi vào can, phế, tỳ, thận, dùng cho các trường hợp suy nhược cơ thể, râu tóc bạc sớm, da xanh thiếu máu, đau đầu hoa mắt chóng mặt, ù tai, điếc tai, tăng huyết áp...
Theo quyển "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" của Giáo sư Đỗ Tất Lợi, hạt vừng chứa khoảng 40-60% dầu; 22% chất đạm; ngoài ra còn có đồng, canxi oxalat, protid, lipid, glucid, xơ, vitamin B1, B2, PP, E; các chất khoáng như Ca, P, K, Na, Mg, Fe, Zn, Se, Cu, Mn….
Dầu vừng chứa nhiều calo, chất béo no không bão hòa, axit béo omega-3 và omega-6... do đó có lợi cho tim mạch, giúp tăng tuổi thọ. Hạt vừng đen còn được Đông y dùng như vị thuốc giúp đen tóc.
Dầu mè (vừng) tốt cho người huyết áp cao, giúp ngăn ngừa một số bệnh tim mạch. 36g hạt mè đã cung cấp tới 31,6% nhu cầu magie hằng ngày cho cơ thể, nhờ vậy làm giảm và ổn định huyết áp, phòng ngừa cơn đau tim, đột quỵ.
Hạt vừng chứa sesamolin và sesamin, hai chất lignan giúp duy trì huyết áp và mức cholesterol. Đồng thời, loại hạt này còn giúp xương chắc khỏe, cải thiện tiêu hóa, chống viêm nhiễm, cải thiện sức khoẻ răng miệng...
Hạt vừng có rất nhiều chất xơ, một yếu tố quan trọng giúp tiêu hóa lành mạnh, bảo vệ sức khỏe của ruột già, giảm nguy cơ mắc bệnh đường tiêu hóa và ung thư.
Ngoài ra, vừng chứa hàm lượng kẽm cao, một thành phần quan trọng trong sự hình thành collagen, giúp tăng cường mô cơ, tóc và da.