- Bộ KHCN và những người quản lý khoa học công nghệ rất khó can thiệp vào quá trình chuyển giao công nghệ, đặc biệt công nghệ từ nước ngoài vào.
Đây là nhận định của Chủ nhiệm UB Khoa học – Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng khi thảo luận tại tổ về dự thảo luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) sáng nay.
Ông Dũng cho biết, trong quá trình thẩm tra dự thảo luật, UB nhận thấy còn nhiều điều phải sửa khi hiện tại Bộ KHCN và những người quản lý khoa học công nghệ rất khó can thiệp được vào quá trình chuyển giao công nghệ, đặc biệt là công nghệ từ nước ngoài vào.
Chủ nhiệm UB Khoa học-Công nghệ và Môi trưởng Phan Xuân Dũng. Ảnh: Hoàng Long |
Đặc biệt trong các dự án, hầu như cơ quan quản lý nhà nước rất khó tiếp cận với công nghệ của họ.
“Ví dụ như Formorsa, họ nói là tập đoàn giàu có, tập đoàn công nghệ cao nhưng quản lý nhà nước và các quy định pháp luật không chặt chẽ thì có thể họ lách ngay, đưa công nghệ không phù hợp vào”, ông Dũng dẫn chứng.
Thậm chí ngay cả khi kiểm tra, nhưng không kỹ thì các doanh nghiệp này vẫn có thể đưa công nghệ khác vào.
Đơn cử như khu vực luyện khô, luyện ướt hoặc xử lý nước tại Formosa. Ông Dũng cho biết, trước lúc đưa ra khỏi khu vực nhà máy phải có hồ điều hòa nhưng mình làm không kỹ, không kiểm soát được nên cho họ cả một khu vực rộng.
“Thế là không vào được. Tầng tầng lớp lớp cửa ra vào. Nên phải quy định thế nào để kiểm tra được”, Chủ nhiệm UB Khoa học-Công nghệ và Môi trường nêu.
Dẫn chứng tiếp vụ boxit Tây Nguyên, ông Dũng cho biết: "Cũng nói tập đoàn lớn, đưa công nghệ cao vào. Nhưng thực tế họ đã đánh tráo công nghệ và trình độ công nghệ ngay từ khái niệm ban đầu”.
Dù cho rằng khi xây dựng dự thảo luật sửa đổi cũng có nhiều điểm khó do “dính” vào những luật khác như luật Đầu tư, Mua bán thiết bị, luật Giá... Tuy nhiên Chủ nhiệm UB Khoa học-Công nghệ và Môi trường đề nghị cơ quan soạn thảo phải ngồi lại, làm sao có luật đáp ứng được thực tế, để nước ngoài không lợi dụng kẽ hở đưa công nghệ lạc hậu vào.
Chuyển giao công nghệ còn sơ hở
Cũng trăn trở với vấn đề chuyển giao công nghệ, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đề nghị phải có quy định chặt chẽ hơn khi thẩm định.
“Chỗ này chúng ta rất sơ hở. Chúng ta phải quy định rất rõ, thành phần của những tổ chức cá nhân tham gia thẩm định công nghệ và trách nhiệm của những hội đồng thẩm định đó”, ĐB Nhưỡng kiến nghị.
Ông cho rằng nếu đã kết luận thẩm định nhưng sau này lại phát hiện ra sai sót thì những hội đồng này phải hoàn toàn liên đới chịu trách nhiệm, tránh tình trạng “vỗ vai” tạo lợi ích nhóm để nhập công nghệ mấy tỉ đô rồi về vứt xó nhưng vẫn vô can.
“Phải liên kết ngay tính liên đới chịu trách nhiệm giữa hội đồng thẩm định, cơ quan thẩm định với hậu quả xảy ra sau này. Kể cả tính chuyện xử lý trách nhiệm hình sự. Vì như vậy là thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng hoặc cố ý nhập thiết bị công nghệ hàng tỉ đô gây lãng phí thất thoát cho nhà nước”, ĐB nhấn mạnh.
ĐB tỉnh Bến Tre cũng lưu ý phải có quy định chặt chẽ về chuyển giao công nghệ theo cấp bậc công nghệ.
Với lĩnh vực nhập khẩu công nghệ, ông cho rằng vẫn còn tình trạng nhập về rồi “bó tay” hết.
“Một là những loại nhập về nhưng không vận hành được, hoặc chỉ nhập phần cứng còn phần mềm hoàn toàn bó tay. Khi đó tiếp tục phải bỏ tiền trong khi lẽ ra giá công nghệ chỉ 1 thôi nhưng lại phải bỏ ra rất nhiều”, ông Nhưỡng nói.
ĐB phân tích, công nghệ nhập khẩu phải phụ thuộc vào chuyên gia. Như nhà máy điện hạt nhân, Việt Nam phải cử đi đào tạo nhưng có những công nghệ hoàn toàn phụ thuộc vào chuyên gia nước ngoài.
“Lập tức khi ấy các cỗ máy nhập về của chúng ta chỉ là những đống thép lạnh lùng nằm đấy. Vì thế luật này chúng ta phải khắc phục được tình trạng đó”, ông Nhưỡng nêu.
Ông cho rằng thay vì đẩy mạnh chuyển giao thì nên tập trung phát triển thị trường công nghệ, bao gồm cả thị trường trong nước và quốc tế.
Thúy Hạnh - Hồng Nhì