Đại dịch Covid-19 như một cơn bão quét qua thị trường nhà cho thuê, nhà phố riêng lẻ, căn hộ chung cư cao cấp hay bình dân đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Kinh doanh khó khăn, giá thuê cửa hàng giảm 1/2 vẫn không có khách |
Nếu như một năm trước, anh Phạm Hào, 50 tuổi (Mỹ Đình, Hà Nội) phấn khởi vì ngoài công việc làm văn phòng ổn định, thì khoản thu nhập từ tiền thuê nhà đã giúp anh mang về dăm chục triệu đồng mỗi tháng.
“Năm vừa rồi tôi và vợ đã bàn với nhau, năm 2020 sẽ dồn tiền mua thêm một miếng đất nữa, cuối năm xây nhà tiếp tục để cho thuê. Nhờ có nhà mặt đường, tôi dành riêng 2 tầng dưới cho thuê kinh doanh quần áo thời trang với số tiền 50 triệu đồng/tháng, sau khi trừ hết chi phí đầu tư và một phần trả lãi vay ngân hàng, mỗi tháng chúng tôi cũng dư ra khoảng 35 - 40 triệu đồng từ nguồn thu này. Nếu cố làm được một nơi nữa tương tự ngôi nhà cũ thì thu nhập từ tiền thuê nhà coi như khoản dưỡng già sau này”… anh Hào chia sẻ.
Tuy nhiên, theo lời anh Hào “đúng là cuộc đời không ai học được chữ ngờ”. Kể từ sau tết dịch bệnh liên miên, người thuê nhà doanh thu bị ảnh hưởng nên xin anh Hào hỗ trợ giảm tiền thuê nhà. Tình hình khó khăn chung, nên anh Hào đồng ý giảm 50% trong 03 tháng. Hết thời gian 03 tháng, cửa hàng vẫn ế ẩm nên anh Hào chủ động tiếp tục giảm cho người thuê 50% cho 3 tháng tiếp theo. Song, do kinh doanh bết bát người thuê vẫn không đủ sức chi trả tiền thuê nhà, thuê nhân viên,… nên hết tháng 10 họ đã trả mặt bằng rút về bán hàng online.
Hiện nhà tôi vẫn chưa có ai thuê dù đã hạ giá thuê bằng ½ so với năm trước. Khó khăn như hiện nay, vợ chồng tôi cũng không dám mơ kế hoạch gì khác” – anh Hào nói thêm.
Đó là câu chuyện của nhà mặt phố, với những nhà thuê để ở tình hình khó khăn cũng không kém.
Được biết, giá cho thuê căn hộ trong các dự án chung cư cao cấp khu vực quận trung tâm thành phố có dấu hiệu giảm nhiều.
Căn hộ cao cấp thưa vắng khách thuê |
Chị Đặng Thu Hà (Cầu Giấy, Hà Nội), có một căn hộ 2 phòng ngủ tại chung cư cao cấp trên địa bàn quận. Nhà hoàn thiện đẹp, chị Hà lắp thêm nội thất cao cấp và cho một nhóm người nước ngoài thuê ổn định nhiều năm với giá 20 triệu đồng/tháng. Dịch bùng phát, người lao động nước ngoài bị hạn chế đi lại nên hết tháng 6 vừa qua đại diện nhóm thuê nhà trên đã thanh lý hợp đồng. Sau khi sửa chữa sơ bộ căn hộ, chị Hà đăng quảng cáo, gửi môi giới nhưng sau 4 tháng liên tiếp vẫn không có khách thuê dù giá cho thuê đã giảm xuống còn 15 triệu. Môi giới khuyên chị Hà chấp nhận bỏ trống nhà thêm một thời gian vì nếu có ký được hợp đồng trong thời điểm hiện tại cũng phải chấp nhận giảm giá 50%, chờ thêm một thời gian, khi thị trường hồi phục đăng thông tin cho thuê sẽ được giá cao hơn, đỡ rắc rối khi họ đang ở lại nâng giá.
“Nhà tôi thiết kế chuyên dành cho khách Hàn Quốc thuê, giờ không có khách tôi cũng đành đóng cửa. Nếu cho hộ gia đình thuê nội thất không phù hợp, hơn nữa giá tiền thuê giảm một nửa – quá thấp so với khoản đầu tư ban đầu, biết bao giờ mới bù được” – chị Hà nói.
Còn với câu chuyện của anh Hạnh (Đống Đa, Hà Nội) – một người bạn cũ của tôi thì bi đát hơn. Năm 2018 anh Hạnh mua đất, xây nhà 6 tầng với 18 phòng cho thuê, mức giá 4 triệu đồng/phòng.
Anh Hạnh cho biết, nếu khách thuê kín các phòng, số tiền thu được 72 triệu đồng. Sau khi trừ các chi phí cơ bản, mỗi tháng vợ chồng anh Hạnh phải bù thêm một khoản để nộp gần 100 triệu tiền lãi và gốc vay ngân hàng đầu tư xây dựng từ trước đó. Tuy nhiên, do khó khăn trong công việc, nhiều người thuê đã trả phòng. Liên tiếp từ tháng 6 tới nay, số phòng có khách chỉ đạt 70%, trong khi tiền ngân hàng vẫn phải nộp hàng tháng, thực sự đã khiến vợ chồng anh Hạnh phát ốm vì chuyện tiền nong.
“Nếu cứ ổn định như những năm trước thì vợ chồng tôi vẫn xoay sở tốt, nhưng năm nay thu nhập của vợ và tôi đều kém đi, trong khi nhiều phòng trống không có người thuê nên hơn 6 tháng nay tôi đành chịu chậm trả ngân hàng.
Giàu chưa thấy đâu, mỗi ngày mở mắt chỉ thấy một khoản nợ ngày càng lớn của ngân hàng. Cứ đà này, có lẽ tôi phải tính nước bán nhà cho đỡ khổ” – anh Hạnh tâm sự.
Để giảm áp lực tài chính, vợ anh Hạnh đã rao bán nhà |
Anh Nguyễn Đặng K. – Giám đốc một sàn môi giới mua bán cho thuê nhà đất đánh giá, thị trường bất động sản (BĐS) là nơi hứng chịu nhiều tác động nhất từ đại dịch Covid-19, trong đó người cho thuê mặt bằng phải hứng chịu những thiệt hại chưa từng thấy. Nhiều mặt bằng có giá trị cho thuê 10.000 – 20.000 USD/tháng đã phải bỏ trống gần như suốt năm 2020, có thể cả năm 2021 tình hình vẫn chưa sáng sủa hơn.
Cũng theo anh K., một mảng quan trọng của thị trường BĐS là thị trường nhà cho thuê để sử dụng làm mặt bằng buôn bán, thậm chí cả những căn hộ để ở đa số không có các công ty nghiên cứu quản lý uỷ thác chuyên nghiệp như các toà nhà văn phòng. Chính vì không có cơ sở dữ liệu nên khó có thể đưa ra một cái nhìn mang tính tổng thể về hiện trạng của thị trường mặt bằng cho thuê, mặt bằng giá cho thuê biến động thế nào trong cơn lốc đại dịch Covid -19.
Ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT CenGroup cho rằng, việc đầu tư chung cư cho thuê chỉ phát đạt cách đây 10 năm, khi nhiều người chưa thể mua nhà được, thu nhập chưa khấm khá. Đầu tư thời gian gần đây cho thuê tốt, nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh, nên kinh doanh giảm sút. Đơn cử như nếu một căn hộ 100 m2 ở thời điểm trước dịch tại TP. HCM có thể cho thuê hơn 25 triệu đồng, tại Hà Nội cùng phân khúc và cùng diện tích được khoảng 20 triệu đồng. Nhưng nay giá giảm 30-40% vẫn rất khó tìm được khách thuê.
Một số chuyên gia BĐS nhìn nhận, thị trường căn hộ cho thuê vô cùng khó khăn trong năm 2020 và sẽ còn kéo dài tới năm 2021, bởi nền kinh tế đi xuống, thu nhập giảm, người dân thắt chặt chi tiêu, lượng khách ngoại cũng chưa trở lại làm việc tại Việt Nam nhiều trong năm 2020.
Bên cạnh đó, thị trường nhà chung cư cho thuê sẽ cạnh tranh cực lớn. Nguyên nhân là do nguồn cung hiện quá nhiều. Từ năm 2017 tới nay, nhiều dự án chung cư bàn giao và lượng khách mua nhà để đầu tư cho thuê luôn chiếm tỷ lệ trên 30%, chưa kể lượng khách hàng đầu tư thứ cấp, mua để bán, khi không bán được thì xoay ra cho thuê căn hộ.
(Theo Dân Việt)