- Trao đổi với VietNamNet - GS.TS.NGND Ngô Văn
Lệ - (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM) cho rằng, có quá nhiều cản trở sự phát triển NCKH của giảng viên.
GS.TS.NGND Ngô Văn Lệ |
GS Ngô Văn Lệ cho rằng: Trong xu hướng phát triển chung của giáo dục hiện nay muốn hội nhập phải đặt ra và hướng tới việc xây dựng ĐH nghiên cứu. Nhưng cơ cấu ĐH Việt Nam có sự tách biệt giữa nghiên cứu và đào tạo, tạo ra vách ngăn cách biệt khiến các trường ĐH khó tiếp nhận hoặc thu nhận những thành quả của các nhà nghiên cứu vào các trường ĐH, ngược lại các viện nghiên cứu cũng không biết trong GD- ĐT đang cần cái gì?
Chính sự tách biệt này đã bắt các trường ĐH phải làm 2 nhiệm vụ vừa nghiên cứu, vừa giảng dạy. Lâu nay người ta thường trách cứ các trường ĐH việc nghiên cứu làm chưa tốt, một phần là do cơ chế quy định người giáo viên phải một năm phải giảng dạy bao nhiêu tiết và phải thực hiện đủ số giờ đó.
Ví dụ, một GS một năm dạy 360 tiết, PGS mấy trăm tiết, chính vì việc tham gia nhiệm vụ có tính chất hành chính này đã làm giảm đi việc tham gia nghiên cứu của giảng viên.
Một lý do nữa khiến cho việc nghiên cứu khoa học khó khăn có lẽ cũng liên quan đến việc tìm kiếm các đề tài cũng như thanh toán, kinh phí. Hiện nay các trường, viện tách bạch, các địa phương muốn giữ lại đề tài để nghiên cứu nên việc tìm kiếm đề tài để nghiên cứu rất khó.
Các thủ tục thanh toán có những bất hợp lý (sự bất hợp lý chung của toàn hệ thống) đã làm nản lòng của các giảng viên tham gia nghiên cứu. Bản thân những giảng viên đặc biệt lớn tuổi không muốn vì thủ tục này quá nhiêu khê quá. Nếu đi dạy ở ngoài một giờ được trả thù lao bao nhiêu đó thì GV sẽ thích đi dạy hơn là nghiên cứu.
Nguyên khác từ lúc người nghiên cứu nghiên cứu đề tài đến lúc phê duyệt, nghiệm thu là một chặng đường dài, trong khi đề tài được yêu cầu thanh toán đúng hạn thì kinh phí phải 5-7 tháng mới có. Thậm chí, có những đề tài đã được duyệt hàng năm trước nhưng lại không có kinh phí. Những người làm nghiên cứu có trách nhiệm thì không muốn việc làm có tính chất tắc trách như vậy…
- Thưa giáo sư, đứng ở góc độ những người làm hành chính, quản lý tài chính cũng có cái khó cần nhà khoa học thông cảm cho họ?
Vấn đề này có nhiều cách tiếp cận khác nhau, những người làm quản lý khi nào cũng giữ cho họ yên thân, không phải đụng chạm, đi đâu có chứng từ, hóa đơn mà không tiếp cận với thực địa. Thử hỏi, đi ông xe ôm lên miền núi lấy đâu ra biên lai... những quy định này đã bất hợp lý, lại không theo kịp giá cả, biến đổi. Tất nhiên những người có chức, có quyền thì không lo sợ vấn đề này.
Lý do thứ hai, việc nghiên cứu khoa học thì người làm quản lý đôi khi nghĩ rằng có trục lợi trong nghiên cứu cho nên những quy định này rất phiến hà để lo nọ lo kia…Những quy định của nhà nước làm cho nhiều người nói dối chứ không phải nhà khoa học, nhà quản lý cũng phải nói dối mà đáng lẽ ra bây giờ phải căn cứ vào chi phí thực.
Về nguyên tắc người làm hành chính thì phải luôn giữ mình, tất cả đều có quy định nhưng đi vào thực hiện có vấn đề vì luật không chặt chẽ…
Việt Nam hay theo phong trào
- Nhưng việc nhiều trường ĐH chạy theo định hướng nghiên cứu cũng đang làm giảm hiệu quả NCKH ông có biện pháp nào để hạn chế điều này?
Ở Việt Nam mình hay theo phong trào. Ví dụ, về việc đào tạo tín chỉ, nhiều trường ĐH Việt Nam đang đào tạo theo tín chỉ, nhưng tín chỉ là cái gì thì lại không nắm, bản thân ông hiệu trưởng cũng không hiểu dù nhận ra đào tạo tin chỉ có những tiến bộ hơn đào tạo niên chế, nhưng không phải thay đổi niên chế một chút là thành tín chỉ.
Đào tạo ĐH nghiên cứu hiện nay như là một cái mốt mà nhiều trường ĐH đang muốn, nhưng chưa đạt mà bước lên thì chỉ là hình thức. Muốn có ĐH nghiên cứu phải có thực lực, thử hỏi một GV dạy hàng ngàn tiết/năm thì làm sao làm nghiên cứu được. Vấn đề là hiện nay chúng ta thiếu kiểm định, đo lường trường đó có phục vụ nghiên cứu hay không, hằng năm các công trình công bố như thế nào…
Cần phải có sự phân tầng đại học. Đó là lựa chọn một số trường có đủ hoặc gần đủ điều kiện năng lực để đầu tư thành ĐH nghiên cứu, chuyển những trường đại học nhỏ sang loại hình dân lập, tư thục theo hình thức xã hội hóa.
Trường công được đầu tư tốt phải làm được chức năng đào tạo nhân tài, nhân lực chất lượng cao, và việc thứ yếu là nâng cao dân trí. Đào tạo nhân tài không phải trường nào cũng làm được. Còn các trường ĐH khác có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao dân trí.
Nhưng muốn làm được điều này giải quyết vấn đề nhận thức của XH. Hiện nay cái mác trường công vẫn có cái gì đó dễ thuyết phục, cần phải nhận thức rằng các trường dân lập phải góp phần chia sẻ với nhà nước trong đào tạo nguồn lực, đến việc coi bình đẳng của trường dân lập và trường công…
- Vậy GS nghĩ như thế nào khi nhiều NCKH hiện nay không ứng dụng được, ngược lại có nhiều người dân không có kinh phí, không học tập vẫn có những sáng chế ứng tốt và được ứng dụng?
Cần phải nhìn nhận thật rõ ràng về vấn đề này. Chức năng trường ĐH khác với hoạt động doanh nghiệp. Trái ngược với việc nghiên cứu khoa học cơ bản khó ứng dụng, phục vụ giảng dạy thì nghiên cứu ứng dụng rất cụ thể, rõ ràng, đôi khi chỉ thay đổi một chi tiết máy là có thể ứng dụng được.
Những nghiên cứu của người nông dân chỉ là cải tiến kĩ thuật chứ không phải sáng tạo ra cái mới. Tất nhiên đối với một số lĩnh vực không qua đào tạo vẫn có thể làm được, nhưng nhiều lĩnh vực phải qua đào tạo và đương nhiên qua đào tạo thì sẽ tốt hơn là không qua. Những người học đều làm tốt hơn những người không học, tất nhiên có những người không học họ vẫn có thể làm được, nhưng phụ phuộc vào nhiều vấn đề và chỉ chiếm một thiểu số, nhưng không có nghĩa là họ không có năng lực mà họ không có điều kiện để học.
• Lê Huyền