- Quyền lực và sự thiếu minh bạch tài chính là những yếu tố giết chết động cơ làm việc của giảng viên ở trường đại học.
Ảnh minh họa |
Trên lí thuyết, trong một tổ chức nghiên cứu khoa học và ở một trường ĐH thì các phòng tài chính - kế toán, phòng hành chính và tổ chức là những phòng chức năng có trách nhiệm phục vụ để các các khoa và các trung tâm, viện nghiên cứu hoàn thành tốt công tác nghiên cứu và giảng dạy của nhà trường.
Ở những trường ĐH của các nước có nền văn minh phát triển, nhân viên làm việc trong bộ phận này thực sự là "người giúp việc", tận tình giúp đỡ giảng viên, cán bộ nghiên cứu và sinh viên.
Khi bước vào phòng kế toán, bạn sẽ thấy những nụ cười nở trên môi tươi cười chào đón và câu hỏi đầu tiên mà bạn được hỏi sẽ là: Tôi có thể làm gì để giúp anh/chị? Sau đó, họ sẽ nhanh chóng trợ giúp, hướng dẫn các thủ tục tài chính để người làm nghiên cứu hay bất kì ai liên quan đến thanh quyết toán tài chính hoàn thành một cách dễ dàng, thuận lợi nhất.
Còn ở Việt Nam, đến phòng kế toán dù bất kì đâu, kể cả các trường ĐH - nơi được xem là có môi trường học thuật và môi trường văn hóa lành mạnh, chúng ta có thể bắt gặp những khuôn mặt lạnh như băng, những thủ tục kế toán phiền hà rắc rối và bạn sẽ không mấy khi được hướng dẫn hay chỉ dẫn một cách rõ ràng, nhiệt tình.
Những người làm nghiên cứu khoa học như chính bản thân tôi thường xuyên phải đối mặt với các qui định tài chính lạc hậu, không bao giờ theo sát yêu cầu của thị trường, định mức chi từ những năm xa xưa vẫn tiếp tục được áp dụng trong khi giá cả leo thang đã đi tận đẩu, tận đâu. Đầu tư cho đề tài thì xé nhỏ nên sản phẩm nghiên cứu chẳng đủ sức mà thành hình, thành hài để đưa vào sử dụng trong thực tiễn, kiểu như một bà mẹ mang thai nghèo đói chỉ có thể đẻ ra một đứa bé èo uột mà thôi.
Nhưng những điều đó chưa làm những người nghiên cứu khó chịu bằng cách các nhân viên kế toán đối xử với mình.
Giữa kế toán và nhà chuyên môn chẳng mấy khi ăn nhập vào nhau: kế toán không cần biết đến công việc của chuyên môn chỉ biết đòi hỏi thủ tục tài chính còn chuyên môn thì mất chẳng biết bao nhiêu công sức và thời gian để hoàn thành các thủ tục tài chính mà việc chi tiêu thực tế hoàn toàn không phù hợp với yêu cầu của chuyên môn.
Đơn cử một ví dụ: một phản biện đọc 01 báo cáo của một đề tài nghiên cứu khoa học dày 120 đến 150 trang được trả 800 nghìn đồng theo qui định của thông tư 44 từ năm 2007 (Thông tư số 44 /2007/TTLT-BTC-BKHCN - Thông tư liên tịch - Hướng dẫn định mức xây dựng và phân bổ dự toán kinh phí đối với các đề tài, dự án khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước). Phản biện nào muốn đọc cẩn thận và đưa ra những nhận xét đầy đủ với một số tiền trả công rẻ mạt như vậy trong khi để đọc cẩn thận báo cáo đó họ mất từ 7 đến 10 ngày? (Nghĩa là mỗi ngày họ sẽ có thu nhập là 100 nghìn đồng).
Đó là chưa nói đến có những kế toán lộng quyền, cầm tiền trong tay, cầm thủ tục tài chính trong tay cùng với một vị thủ trưởng thiếu anh minh bị những đồng tiền ma lực hút hồn, dùng tiền, dùng quyền để ban phát ơn huệ hay hành hạ người khác nếu người đó không “thủ thỉ” với mình.
Những người làm nghiên cứu và giảng viên mấy khi được thông báo về khoản kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học và các hoạt động khoa học và số tiền họ được chi tiêu trong một năm học một cách công khai?
Có những dự án do tổ chức nước ngoài đầu tư nếu đưa về trường người làm chuyên môn chỉ được đối xử như những công cụ làm thuê mà không bao giờ được trả đúng định mức qui định của tổ chức tài trợ. Những phát sinh tiêu cực, tham ô, hủ hóa cũng bắt đầu từ đây.
Một khi được đối xử như vậy và với sự không minh bạch về tài chính thì làm sao những người làm nghiên cứu khoa học còn có động lực làm việc tốt? Nếu ở các trường ĐH tình trạng đầu tư nghiên cứu khoa học và thái độ đối xử với người làm nghiên cứu khoa học như vậy vẫn còn tiếp diễn thì e rằng nghiên cứu khoa học sẽ không bao giờ là một công việc hấp dẫn để mang lại những thành quả nghiên cứu cần thiết cho một trường đại hoc nào đó mong muốn trở thành một trường ĐH nghiên cứu.
Mời bạn chia sẻ các câu chuyện hoặc ý kiến, giải pháp cho vấn đề này. Ý kiến gửi về bangiaoduc@vietnamnet.vn hoặc theo mẫu phản hồi dưới đây. Trân trọng cảm ơn! |
TS Trần Thị Bích Liễu