CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau - PVCFC (HOSE: DCM) - đơn vị vận hành Nhà máy Đạm Cà Mau - vừa công bố báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất quý II/2023. Kết quả cho thấy một bức tranh hoàn toàn trái ngược với cùng kỳ năm 2022.
Theo đó, doanh thu thuần về bán hàng và kinh doanh dịch vụ quý II của công ty là 3.290 tỷ đồng, thấp hơn nhiều con số của quý II/2022 (đạt 4.083 tỷ đồng).
Tính chung 6 tháng năm 2023, doanh thu thuần về bán hàng và kinh doanh dịch vụ của DCM đạt 6.025 tỷ đồng, giảm tới hơn 2.000 tỷ đồng so với 6 tháng năm 2022 (đạt 8.158 tỷ đồng).
Lợi nhuận gộp của công ty này cũng giảm mạnh, chỉ còn 370 tỷ đồng quý II trong khi cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận gộp của công ty lên tới 1.343 tỷ đồng.
Tính chung 6 tháng, lợi nhuận gộp của CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau chỉ đạt 939 tỷ đồng, chưa bằng 1/3 so với mức 3.300 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Lợi nhuận sau thuế của DCM quý II chỉ còn 289,8 tỷ đồng, thua rất xa so với mức lợi nhuận 1.020 tỷ đồng của quý II năm 2022.
Tính chung 6 tháng, lợi nhuận của đơn vị vận hành Nhà máy Đạm Cà Mau chỉ còn 519 tỷ đồng, kém xa so với cùng kỳ năm trước. 6 tháng năm 2022, lợi nhuận đạt tới 2.537 tỷ đồng.
Giải thích cho sự suy giảm mạnh này, Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau cho biết: Doanh thu quý II sụt giảm do giá phân bón giảm mạnh. Giá bình quân sản phẩm Ure cũng giảm tới hơn 40% so với cùng kỳ. Trong khi đó, chi phí giá vốn tăng hơn 5%, chi phí bán hàng tăng 55,7% làm cho lợi nhuận giảm mạnh.
Dù vậy, công ty này vẫn đang giữ tới hơn 2.100 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền. Đầu tư tài chính ngắn hạn cũng ghi nhận tới 8.372 tỷ đồng tiền gửi trong ngân hàng.
Dù nắm giữ lượng tiền gửi rất lớn nhưng DCM lại đang tăng vay nợ ngắn hạn. Cụ thể, chỉ trong 6 tháng đầu năm, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn đã tăng từ 2,6 tỷ lên tới 304,4 tỷ đồng. Dự phòng phải trả ngắn hạn của công ty cũng tăng gần gấp đôi, từ 679,3 tỷ lên 1.293,3 tỷ đồng.
CTCP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (UpCom: DHB) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh suy giảm. Báo cáo vừa công bố cho thấy, lợi nhuận thuần 6 tháng đầu năm của công ty này âm 480 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lợi nhuận đạt tới 1.344 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp lỗ tới 479 tỷ đồng, trong khi đó cùng kỳ năm ngoái lãi tới 1.346 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu cũng do giá phân bón giảm mạnh.
Giá giảm trên toàn cầu
Việc giá phân bón giảm mạnh đã được Tổ điều hành thị trường trong nước đề cập trong báo cáo mới nhất gửi Thủ tướng Chính phủ.
Theo báo cáo, 6 tháng đầu năm giá phân bón tiếp đà giảm từ quý IV/2022, đặc biệt là phân Ure. Nguyên nhân chủ yếu do cầu yếu, chi phí sản xuất giảm và chính sách mở cửa trở lại của Trung Quốc khiến nguồn cung phân bón toàn cầu tăng.
Trong khi đó, nhu cầu sử dụng yếu khiến giá phân bón giảm mạnh trong nửa đầu năm nay và thiết lập mặt bằng giá ngày càng thấp trên toàn thế giới.
“Mức giá một số loại phân bón chủ yếu ước giảm 45-50% so với cùng kỳ năm trước và giảm khoảng trên 50% so với mức giá đỉnh của năm 2021”, Tổ điều hành thị trường trong nước đánh giá.
Ở trong nước, 6 tháng đầu năm 2023, thị trường phân bón tương đối trầm lắng, giá giảm liên tiếp do nhu cầu thấp, nguồn cung dồi dào. Giá bán lẻ phân bón đã giảm mạnh và thấp hơn cùng kỳ năm trước, khoảng 3.000-5.000 đồng/kg, tùy loại và địa phương.
Theo đánh giá, nhu cầu trong nước đối với các loại phân bón về cơ bản không có đột biến so với các năm trước (nhu cầu trên cả nước khoảng 10-12 triệu tấn). Vì vậy, giá phân bón trong nước giảm chủ yếu do chi phí sản xuất đầu vào giảm, nguồn cung dồi dào và ảnh hưởng bởi giá phân bón thế giới.
Theo dự báo của Tổ điều hành thị trường trong nước, thời gian tới, giá phân bón thế giới tiếp tục giảm nhẹ hoặc ổn định do nguồn cung lớn. Trong nước, ảnh hưởng bởi giá thế giới và nhu cầu chưa gia tăng mạnh khiến giá có thể giảm nhẹ.