"Vì sự thoải mái của các khách hàng khác, chúng tôi không khuyến khích các giáo sư tại trường Đại học Quốc gia Busan đến quán. Trong trường hợp mọi người đã vào trong, xin đừng tiết lộ nghề nghiệp, chức vụ của mình một cách lớn tiếng".
Thông báo được dán bên ngoài một quán bar gần Đại học Quốc gia Busan (Hàn Quốc) vì lo ngại các giáo sư lạm dụng văn hóa thứ bậc, gây khó chịu cho người khác đang thu hút sự quan tâm trên mạng xã hội Hàn Quốc, theo Korea Times.
Chủ quán cho biết từ khi mở cửa, 3 khách hàng thô lỗ nhất nơi này từng tiếp chính là giáo sư đại học.
Thông báo không hoan nghênh các giáo sư của quán bar ở Busan, Hàn Quốc. |
"Lý do tôi biết học hàm của những vị khách đó là bởi chính họ đã tự khoe khoang: 'Tôi là giáo sư (ở trường đại học gần đây) đấy'", chủ quán bar nói với tờ The Hankyoreh.
Ban đầu, chủ quán cũng lo ngại thông báo có thể gây phân biệt đối xử với một ngành nghề, nhóm người nhất định.
Tuy nhiên, vị này cho rằng mục đích chính của thông báo vẫn là phê phán thái độ thô lỗ, hơn là chức danh nghề nghiệp nên vẫn quyết định dán nó trước cửa.
"Tôi từng thấy nhiều khách hàng là sinh viên mới tốt nghiệp, họ gặp căng thẳng vì đối mặt áp lực công việc lớn và sự lạm quyền của các giáo sư. Tôi không muốn họ phải tiếp tục gặp các giáo sư phụ trách mình ở quán bar của tôi nữa. Đây là nơi để họ thư giãn".
Theo Kim Je-nam, người đứng đầu Hiệp hội Giáo sư Đại học Hàn Quốc, mối quan hệ quyền lực giữa các sinh viên, trợ lý và giáo sư trong nhiều trường hợp có thể tương tự môi trường trong quân đội, khiến sinh viên có thể cảm thấy không thoải mái khi đối mặt.
Trên mạng xã hội, nhiều người tỏ ra thích thú và đồng tình với thông báo "không hoan nghênh giáo sư" này. Về phía quán bar, quán sẽ không tiến hành xác minh khách có phải là giáo sư hay không hoặc cấm họ vào.
Tuy nhiên, cũng có không ít người cho rằng thông báo này gộp những người là giáo sư nói chung và có thể coi là một dạng phân biệt đối xử nhắm vào một đối tượng cụ thể.
Chủ quán lo ngại các vị khách trẻ là sinh viên cảm thấy không thoải mái khi đối diện các giáo sư ở nơi vốn để thư giãn như quán bar. Ảnh minh họa: Phim Nameless Gangster: Rules of Time. |
Thời gian qua, việc một số nhà hàng, quán cà phê hay điểm kinh doanh dịch vụ ở Hàn Quốc thông báo hạn chế, không tiếp một số nhóm người cụ thể như trẻ em, người già, YouTuber, học sinh trung học hay người đến để ngồi học cũng từng gây tranh luận.
Ví dụ, "khu vực cấm trẻ em" được xem là cách giúp hạn chế việc những khách hàng khác bị làm phiền bởi trẻ nhỏ nghịch ngợm, không được cha mẹ quản lý và cũng giúp cơ sở kinh doanh dịch vụ tránh phải chịu trách nhiệm nếu lỡ có tai nạn xảy ra.
Còn về phía các YouTuber, BJ (người phát sóng ăn uống), việc họ quay phim chưa xin phép, bình luận về đồ ăn và những thứ khác cũng được cho có thể gây phiền toái cho những người có mặt trong quán cùng thời điểm. Một số thậm chí còn yêu cầu được miễn phí đồ ăn vì đã quay video giới thiệu về cửa hàng.
Hay như trong đại dịch, thông tin một số đợt bùng phát Covid-19 liên quan đến các buổi tụ tập của tín đồ, người theo đạo cũng làm nhiều người e ngại, khiến hàng quán quyết định "cấm cửa".
Trong khi phe ủng hộ cho rằng các hàng quán có "khu vực hạn chế" dạng này mang lại nhiều quyền lựa chọn hơn cho khách hàng và là tự do kinh doanh, phe phản đối lại nhận định đây là hành vi phân biệt đối xử, vi phạm nhân quyền.
Theo Zing
Quán bar hút khách nhờ... dán hơn 46 tỷ đồng trên trần nhà
Nhờ việc dán hàng triệu tờ tiền giấy kín khắp trần nhà, một quán bar tại (bang Florida, Mỹ) đã nhanh chóng trở nên nổi tiếng và thu hút đông đảo du khách ghé thăm.