Nhiều câu chuyện rất thiếu văn hóa của công chức lại xảy ra giữa Thủ đô khiến người ta lo ngại, ở những nơi xa Thủ đô thì sao?
Chuyện một vị quan chức của Bộ Y tế khi va chạm giao thông đã có những lời lẽ lăng mạ, xúc phạm người đi đường chưa lắng, thì mới đây, liên tiếp có chuyện quan chức của Thành phố Hà Nội khi trả lời điện thoại của phóng viên đã xưng mày - tao thực sự khiến dư luận ngỡ ngàng, bức xúc về văn hóa ứng xử của một số quan chức thời nay. Không biết với cấp trên, những ông quan chức này có dám quát nạt, phách lối như với dân, với nhà báo hay không?
Sự kênh kiệu, vênh váo của không ít quan chức khiến khoảng cách giữa những người làm trong hệ thống công quyền và người dân ngày càng trở nên xa cách. Điều này khiến hình ảnh “người đày tớ của dân” ngày một méo mó.
Chưa cần nói đến năng lực, trình độ giải quyết công việc mà chỉ nói đến thái độ của nhiều quan chức hiện nay với dân đã thấy có vấn đề. Lâu nay, người ta vẫn bảo nước mình chậm phát triển vì dân trí thấp. Nhưng đến giờ thì thực sự băn khoăn không biết trí của ai thấp hơn? Bởi nếu là người có trí tuệ, thông minh, hơn người thì thể hiện qua từng cử chỉ, lời ăn, tiếng nói, việc làm hàng ngày phải được người xung quanh kính trọng, có khi là ngưỡng mộ, là tấm gương để noi theo. Đằng này, chỉ là cách hành xử thông thường giữa người với người mà sao các vị quan chức lại khiến dư luận bất bình như vậy? Phải chăng, người làm quan cho mình cái quyền trịnh thượng, coi thường con dân? Nếu chuyện xảy ra ở những nơi xa xôi, hẻo lánh thì còn dễ chấp nhận, đằng này, hầu hết những câu chuyện rất thiếu văn hóa của công chức lại xảy ra giữa trung tâm văn hóa, kinh tế, xã hội của cả nước – Thủ đô Hà Nội.
Là quan chức, hơn ai hết họ hiểu rằng, khi một nhà báo điện thoại trao đổi công việc với bất kỳ ai là khi đó anh ta/chị ta là đại diện cho cả cơ quan báo chí đó chứ không phải là cuộc trao đổi thông thường giữa cá nhân với cá nhân. Những nguyên tắc ứng xử với công dân, với báo chí chắc quan chức phải thuộc nằm lòng.
Thế nhưng, thời gian qua, cách hành xử của nhiều quan chức trong công việc và ngoài cuộc sống khiến người dân ngày càng có cái nhìn không thiện cảm, thậm chí là coi thường. Đặc biệt trong bối cảnh tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh, làm khó dân xuất hiện ở nhiều nơi, gây bức bối trong dư luận thì những hình ảnh, phát ngôn như vị Phó chánh Văn phòng Bộ Y tế hay ông Phó tổng giám đốc công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội Trần Anh Tú, ông Lê Hồng Thăng - Giám đốc Sở Công thương TP Hà Nội… chỉ khiến người dân bớt đi phần kính trọng và giảm lòng tin với đội ngũ cán bộ, công chức mà thôi.
Đất nước ta không thiếu người có tài có đức, coi trọng quyền lợi của nhân dân. Trong lúc chúng ta cần tinh giản bộ máy, làm trong sạch, lành mạnh bộ máy hành chính và cả hệ thống chính trị thì những vị quan thế này liệu có xứng đáng nằm trong “tầm ngắm” tinh giản hoặc đuổi ra khỏi ngành?
(Theo VOV)