Khó cầm cự

Theo ghi nhận của Lao Động, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhiều quán karaoke gần đây trên địa bàn TP.Hà Nội đã phải tạm dừng hoạt động. Đóng cửa lâu ngày, cộng thêm chi phí mặt bằng đắt đỏ, khiến nhiều chủ quán không thể gồng gánh, buộc lên phương án giải thể, sang nhượng trọn gói đồ đạc với mức giá rẻ bất ngờ.

Đăng tin sang nhượng quán karaoke với giá gần 400 triệu đồng, anh Trần Minh Phương (SN 1984, quận Ba Đình) chia sẻ, đây là cách duy nhất để anh có thể thu hồi vốn. Dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến quán karaoke của anh Phương cả năm nay phải đóng cửa triền miên. Trong khi tiền thuê mặt bằng, các khoản phí điện nước tại đây vẫn phải hoàn trả đều đặn hàng tháng.

 

Đóng cửa lâu ngày, cộng thêm chi phí mặt bằng đắt đỏ, khiến nhiều chủ quán karaoke tại TP.Hà Nội không thể gồng gánh, buộc lên phương án giải thể, sang nhượng trọn gói đồ đạc với mức giá rẻ bất ngờ. Ảnh: Chụp màn hình

Anh Phương tâm sự: "Dịch bệnh kéo dài, hàng quán đóng cửa im lìm cả tháng nên vợ chồng tôi buộc phải sang nhượng gấp với giá rẻ. Kinh doanh ngành nghề này, ai có vốn duy trì lớn thì còn cầm cự được lâu dài. Sang nhượng toàn bộ quán karaoke 4 tầng với 8 phòng hát với giá 400 triệu đồng, mặc dù rất xót nhưng tôi không còn cách nào khác".

Ngán ngẩm vì dịch bệnh, một tài khoản Facebook có tên Hoài Anh (chủ quán karaoke ở quận Long Biên) cũng tâm sự: "Quán karaoke chủ yếu là các thiết bị điện tử. Mặc dù không mở cửa hoạt động nhưng hàng tháng, tôi vẫn phải đi vay cả chục triệu đồng để trả tiền mặt bằng, thuê người bảo dưỡng, kiểm tra máy móc".

Kiệt sức vì dịch bệnh

Ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều hộ kinh doanh dịch vụ karaoke tại Hà Nội nhìn chung đều rơi vào tình trạng cạn kiệt tài chính. Không đủ sức cầm cự và duy trì, nhiều chủ quán buộc phải thông báo giải thể, nhanh chóng sang nhượng toàn bộ đồ đạc với mong muốn bù lỗ được đồng nào hay đồng đó.

Cũng đang phải đau đầu gánh các khoản chi phí lớn, anh Lê Văn Quân (một chủ quán karaoke quận Cầu Giấy) tâm sự: "Đầu tư xây dựng quán karaoke với số vốn tiền tỉ nên hiện tại tôi cũng xót ruột lắm. Trước đây, khi dịch COVID-19 chưa bùng phát, mỗi tháng quán có thể thu nhập từ 80 -120 triệu đồng. Cả năm nay đóng cửa triền miên để phòng dịch, thu nhập đầu vào không có nhưng tôi vẫn phải gắng sức đi vay lãi từ 30 - 40 triệu đồng để trả tiền mặt bằng, tiền điện nước duy trì".

 

Không đủ sức cầm cự và duy trì, nhiều chủ quán buộc phải thông báo giải thể, nhanh chóng sang nhượng toàn bộ đồ đạc với mong muốn bù lỗ được đồng nào hay đồng đó. Ảnh: Chụp màn hình

Ngoài karaoke, dịch vụ kinh doanh quán bar, vũ trường tại TP.Hà Nội cũng đang đồng loạt sang nhượng, đăng tin rao bán các thiết bị, đồ đạc với số lượng lớn. Đây là lần thứ tư trong hơn một năm qua, các dịch vụ này phải ngưng hoạt động để phòng chống dịch.

“Xem thông tin trên mạng xã hội, tôi thấy nhiều người thanh lý đồ đạc quán karaoke, quán bar với giá rất rẻ nên tôi cũng đang tìm mua, lựa chọn để bổ sung thêm cho quán của mình. Do tài chính cũng có hạn nên tôi không đủ sức mua cả combo, chỉ dám chọn mua một vài đồ đạc còn tốt, có mức giá hợp lý" - Vân Anh (một người mua hàng trên diễn đàn) chia sẻ.

Theo đó, hàng loạt các quán karaoke phải đóng cửa kéo dài đã khiến nhiều chủ quán lâm vào cảnh nợ nần. Thậm chí, nhiều người không còn khả năng về tài chính, buộc phải tìm đủ mọi cách để sang nhượng lại quán với giá chỉ bằng 1/2 so với chi phí đầu tư ban đầu. Biết là lỗ nhưng họ vẫn phải "cắn răng" rao bán vì không thể biết đến bao giờ mới được phép kinh doanh, hoạt động trở lại. 

(Theo Lao Động)

Vừa mở đã lệnh đóng, chủ karaoke khóc ròng vì trở tay không kịp

Vừa mở đã lệnh đóng, chủ karaoke khóc ròng vì trở tay không kịp

Hệ thống karaoke trở tay không kịp và bị thiệt hại nặng sau quyết định mở - đóng chỉ trong 2 ngày của chính quyền TP.HCM.