Thanh tra Chính phủ cho biết không phát hiện trường hợp nào nhận quà trái quy định và dân một xã ở huyện nghèo từ chối gạo cứu đói.
Hẳn quý bạn đọc còn nhớ, trước Tết Ất Mùi, dư luận đã xôn xao với chuyện ông Phạm Trọng Đạt Cục trưởng Cục Chống tham nhũng đưa ra lời kêu gọi: “Nếu người dân phát hiện cán bộ nhận quà Tết trái quy định, hãy gọi điện ngay cho chúng tôi”.
Một lời kêu gọi lúc đó được xem như là nhiệm vụ bất khả thi vì nhiều người đã nói vui “làm sao biết ma ăn cỗ” để mà gọi điện báo cho nhà chức trách. Ấy thế nhưng chúng ta đã nhầm to.
Hết Tết tổng kết lại, đường dây nóng của Cục Chống tham nhũng và Cục trưởng Phạm Trọng Đạt đã nhận 65 nguồn tin (điện thoại trực tiếp, tin nhắn, chuyển tài liệu) từ việc phản ánh của người dân về tặng quà, nhận quà tết không đúng quy định và tố cáo một số hành vi có dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật về tham nhũng trong 1 tháng Tết Nguyên đán (trước, trong và sau Tết).
Hoan hô người dân! Dân chúng ta thật dũng cảm và mưu trí, bởi cuối cùng đã có 65 người dám đứng ra tố cáo chuyện cán bộ nhận quà Tết sai quy định.
Thế nhưng vui đấy mà lại buồn đấy. Bởi trái ngược lại với các nguồn tin quý giá này, báo chí cho biết kết quả thống kê sơ bộ của Thanh tra Chính phủ, tại nhiều cơ quan bộ, ngang bộ, các tỉnh, thành và Tập đoàn kinh tế nhà nước, Tổng công ty 91, không phát hiện ra trường hợp nào tặng quà, nhận quà trái quy định trong dịp tết vừa qua.
Báo Thanh niên dẫn lời ông cục trưởng Phạm Trọng Đạt cho biết, đại diện một số cơ quan có gọi điện về Cục Chống tham nhũng và ngược lại Cục cũng đã gọi điện giục các địa phương thì một số đơn vị trả lời không phát hiện ra thì không biết báo cáo cái gì, chứ không phải có biết nhưng giấu diếm.
Đấy, khổ chưa. Các cơ quan không báo cáo là bởi vì không biết báo cáo cái gì, oan cho các cán bộ quá, có phải là họ nhận quà trái quy định mà ỉm đi giấu đi đâu? Câu chuyện này lại khiến cho tôi nhớ đến một mẩu chuyện vui, rằng bản báo cáo chỉ có vỏn vẹn một dòng: “Báo cáo là hiện giờ chúng tôi chưa có gì để báo cáo. Khi nào có gì để báo cáo chúng tôi xin phép sẽ báo cáo”.
Ngay từ đầu nhiều người đã dự cảm biết rằng phải chăng đây chỉ là một cách chống tham nhũng theo kiểu hình thức mà thôi. Đã có ý biếu xén tặng quà nhau, ai lại ngu dại gì để cho bên thứ 3 biết được?
Mà tặng quà bây giờ cũng tinh vi lắm, ai lại khệ nệ lễ mệ như bao cấp thời xưa, xách lồng bu gà, tha bao gạo nếp đến nhà cấp trên? Lộ liễu và quê kệch quá, kém văn hóa nữa! Thế nên giả dụ có Cục Chống tham nhũng có “bắt tận tay day tận trán” được các vụ tặng quà trái quy định, chắc cũng chỉ là những món quà tặng “hạng ruồi” mà thôi.
Về 65 nguồn tin kia, ông Cục trưởng cho biết Cục sẽ nghiên cứu, báo cáo lãnh đạo cho ý kiến chỉ đạo và đề xuất nắm tình hình, áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để tiến hành làm rõ và có hướng xử lý tiếp theo.
Than ôi, tôi nghe ông Cục trưởng thông báo cái quy trình xử lý nguồn tin mà thấy sao mịt mờ xa thẳm ghê lắm. Mong rằng sau khi kinh qua dăm bảy bước “đúng quy trình”, các nguồn tin này không bị rơi vào quên lãng.
Câu chuyện không phát hiện ra tình trạng nhận quà trái quy định vào dịp Tết vừa qua, cứ tạm xếp vào mục chuyện vui cho dù nó chưa hẳn đã vui. Nhưng có một câu chuyện khác, khiến chúng ta rất vui và vô cùng cảm động.
Ấy là báo Tuổi trẻ cho biết, cũng dịp Tết vừa qua, UBND huyện Bác Ái (Ninh Thuận) có nhắc nhở xã Phước Bình đăng ký số hộ nghèo thiếu đói để huyện phân bổ gạo cứu đói nhưng xã đã từ chối.
Ông Pinăng Hoàng, Chủ tịch UBND xã Phước Bình xác nhận toàn xã có 218 hộ nghèo (với 1.909 khẩu) có nhận đầy đủ khoản hỗ trợ tết như quà, tiền 150.000 đồng/hộ. Riêng gạo cứu đói giáp hạt của Chính phủ thì xã từ chối, không nhận.
Theo ông Pinăng Hoàng, qua rà soát số hộ nghèo này thì không có hộ nào thiếu đói, mà không thiếu đói thì làm sao nhận? Xã dành phần gạo cứu đói này cho những hộ thiếu đói ở các xã khác.
Ở đây, đồng bào Raglai có nghề trồng chuối, do thổ nhưỡng tốt, chuối bán chạy nên các hộ bảo nhau từ chối nhận gạo cứu đói của Chính phủ.
Ôi những người đồng bào dân tộc chân chất hiền lành thật thà tới mức trong trẻo như nước đầu nguồn của tôi! Tôi ước gì chúng ta được nhìn thấy gương mặt họ, hẳn đó là những người dân một nắng hai sương, vất vả với ruộng đất quanh năm nhưng nhân cách và tấm lòng thì vô cùng cao đẹp.
Họ nghèo nhưng chưa đến mức đói, vậy thì tại sao lại không tự lao động kiếm lấy miếng ăn, để suất gạo cứu đói kia cho những người khác. Đó là một suy nghĩ nhân bản một cách nguyên thủy mà tiếc thay, nó đã quá hiếm hoi, gần như biến mất trong đời sống hôm nay.
Đặt 2 trường hợp “không nhận quà” cạnh nhau của cán bộ các bộ ngành, tập đoàn và người dân xã nghèo Phước Bình, hẳn quý bạn đọc sẽ thấy chúng ta phải nghiêng mình ngưỡng mộ trước ai.
Vậy mới nói, lòng tự trọng là một thứ của hiếm quý trong xã hội thời nay.
Mi An/ Theo Đất Việt