Đánh vào tâm lý người tiêu dùng ưa chuộng các loại thuốc bổ đông y lành tính, có nguồn gốc từ thiên nhiên, nhiều trang thương mại điện tử, mạng xã hội, kênh bán hàng trực tuyến quảng cáo thực phẩm chức năng đông y có nội dung lừa dối hoặc gây hiểu lầm thuốc có công dụng chữa bệnh.
Đủ chiêu “thổi phồng” công dụng
Các loại thuốc bổ đông y được chào bán trên các chợ “ảo” rất đa dạng về chủng loại, bao gồm thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, nhưng tất cả chỉ là thực phẩm không phải là thuốc điều trị bệnh.
Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong cho biết, hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe đã được Bộ Y tế và các bộ, ngành tăng cường kiểm soát, song vi phạm pháp luật trong hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe vẫn diễn ra rất phức tạp, gây bức xúc dư luận xã hội. Tình trạng quảng cáo sai sự thật, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tác dụng như thuốc chữa bệnh, lợi dụng danh nghĩa, uy tín của cán bộ y tế, cơ sở y tế để quảng cáo vẫn diễn ra, ảnh hưởng đến quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng.
Những vi phạm chủ yếu trong quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe hiện nay như: Quảng cáo sai sự thật, quá công dụng của sản phẩm gây hiểu lầm với thuốc chữa bệnh; sử dụng hình ảnh, uy tín của các cơ sở y tế, nhân viên y tế, quảng cáo thực phẩm kèm theo ý kiến phản hồi của người tiêu dùng có tác dụng điều trị bệnh hoặc có tác dụng như thuốc chữa bệnh; lấy danh nghĩa bài thuốc đông y lồng ghép nội dung quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng có thành phần được nêu tên trong bài thuốc đông y…
Hiện tại, các vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe còn nhiều, tràn lan trên mạng xã hội Zalo, Facebook, Youtube, các website lưu trữ trên các máy chủ đặt tại nước ngoài khiến cơ quan chức năng khó kiểm soát, quản lý nội dung quảng cáo, không xác định được chủ thể quảng cáo vi phạm và không có cơ sở để xử lý vi phạm.
Hàng loạt thực phẩm bảo vệ sức khỏe đông y bị “tuýt còi”
Ngày 15-10 vừa qua, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có thông báo cho người tiêu dùng về các sản phẩm Đại Tràng Bảo Long, Thanh Phế Bảo Long, Bảo Long Vixoa, Trà Lợi sữa Bảo Long vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo, đặc biệt là quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.
Theo Cục An toàn thực phẩm, trong thời gian vừa qua, Công ty TNHH Đông Nam Dược Bảo Long - đơn vị công bố và chịu trách nhiệm 4 thực phẩm bảo vệ sức khỏe Đại Tràng Bảo Long, Thanh Phế Bảo Long, Bảo Long Vixoa, Trà Lợi sữa Bảo Long đã vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm: Quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; quảng cáo mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo.
Điều đáng nói là những quảng cáo này xuất hiện tại rất nhiều sàn giao dịch thương mại điện tử và trang thương mại điện tử như: https://quaythuoc.org/tra-loi-sua-bao-long-20-goi-ho-tro-thong-tac-tia-sua-hieu-qua.html; https://chiaki.vn/tra-loi-sua-bao-long-ho-tro-tang-tiet-sua…
Trước đó, Cục An toàn thực phẩm phát hiện Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm Hoàng Kim Giáp biệt dược của Hợp tác xã thuốc nam Gia Truyền dân tộc Dao số 7940/2018/ĐKSP ngày 5-10-2018, tại đường link: https://www.dieutribuouco.xyz/vienyhoccotruyen là giả mạo. Ngay sau đó, qua công tác hậu kiểm, Cục cũng tiếp tục phát hiện Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số 4288/2020/ĐKSP ngày 15-5-2022 cho sản phẩm thuốc đông y gia truyền viên xương khớp Mộc Y Lâm cũng là giả mạo.
Những loại thực phẩm chức năng đông y này đều không được Cục An toàn thực phẩm cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm. Tuy nhiên, những giấy tờ quảng cáo giả mạo trên vẫn xuất hiện trên các trang mạng rao bán thực phẩm chức năng cùng nhiều quảng cáo “thổi phồng” công dụng.
Sau những vụ việc trên, Cục An toàn thực phẩm đề nghị người tiêu dùng nên tỉnh táo trong quá trình chọn lựa các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, không căn cứ vào các nội dung quảng cáo sai sự thật để quyết định mua và sử dụng sản phẩm.
Cục An toàn thực phẩm cũng đưa ra khuyến cáo, người tiêu dùng cảnh giác với những hành vi: Quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe có sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, nhân viên y tế, bài viết của bác sĩ, dược sĩ… gọi điện thoại tự xưng là bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế tư vấn, giới thiệu để bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe; gọi điện thoại tự xưng là bệnh nhân đã khỏi bệnh sau khi sử dụng sản phẩm, nhằm giới thiệu và bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Theo đó, Cục An toàn thực phẩm đề nghị, người dân cần lưu ý thực phẩm bảo vệ sức khỏe không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Trong trường hợp có bệnh, người dân cần đến cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời. Trước khi mua sản phẩm, người tiêu dùng có thể tra cứu thông tin liên quan đến công bố và quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe qua địa chỉ: https://congkhaiyte.moh.gov.vn/ và https://nghidinh15.vfa.gov.vn/. Ngoài ra, nên đọc kỹ nhãn sản phẩm, trên nhãn thực phẩm bảo vệ sức khỏe luôn ghi dòng chữ: “Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”...
Đồng thời, mọi người nên chú ý chọn mua các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tên, địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm và nhà sản xuất sản phẩm rõ ràng. Mua sản phẩm phải có hóa đơn, đơn hàng của người bán để làm bằng chứng cho việc mua bán hàng hóa giữa hai bên.