Nằm gọn một góc trên con phố Hàng Đồng (Hoàn Kiếm, Hà Nội), quán phở bò gia truyền Cụ Chiêu đã xuất hiện 4 thập kỷ. Không gian của quán mang nét "đặc trưng" của quán xá phố cổ: chật hẹp, chỉ chừng kê vừa 5 - 6 chiếc bàn gấp nhỏ gọn; phía trước là những nồi nước dùng sôi sùng sục, bốc khói nghi ngút. Trước đây, những ngày đông đúc, không có cảnh xếp hàng nhưng thực khách cũng phải ngồi san sát, đi ra đi vào nhìn trước nhìn sau, khéo léo né để tránh va chạm mọi người. Giờ, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cảnh tượng ấy không còn, quán vắng người hơn; trên bàn xuất hiện thêm tấm chắn, cửa ra vào thêm giấy dán mã QR.
Thế nhưng, nồi nước canh phở gia truyền và bí kíp người đứng tay thớt thái thịt vẫn chẳng có gì thay đổi. Chính điều đó đã tạo nên sức hút nhiều thập kỷ cho quán.
Theo chia sẻ của ông Cồ Như Việt - con trai cụ Cồ Chiêu: Ông Cồ Chiêu là người con của dòng họ Cồ ở làng Vân Cù, Nam Định. Ông Chiêu đã mang gánh phở gia truyền lên Hà Nội mưu sinh từ những năm đầu thế kỉ 20. Có thời điểm, nghề phở bị gián đoạn vì chiến tranh nên đến thập niên 80, cụ Chiêu mới mở lại quán tại số 48 Hàng Đồng.
Từ nhỏ ông Việt đã phụ bố mẹ bán hàng phở. Nói đến bí quyết của phở Cụ Chiêu, ông Việt chia sẻ: "Mỗi quán phở đều có bí quyết riêng, quán của gia đình cũng vậy. Công thức được giữ lại từ đời trước, truyền cho đời tiếp theo, nhưng cốt chính: xương, thịt phải luôn tươi mới có thể cho ra bát phở ngon. Quán dùng bánh phở sợi nhỏ, dày bản, dai nhưng vẫn có đủ độ mềm và ngấm; còn thịt bò mềm, thơm, ngọt, không bị dai quá và không hề có mùi gây".
Ông cho biết: thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, quán phải đóng cửa hơn 2 tháng. Khi mở lại, lượng khách giảm hơn nhiều so với trước kia, do nhiều người e ngại dịch bệnh. "Nhưng dù khách nhiều hơn hay ít hơn, gia đình tôi vẫn giữ vị phở riêng, phục vụ món ăn ngon nhất cho thực khách", ông Việt khẳng định.
Kể từ khi cụ Chiêu mở quán phở rồi truyền lại cho con cháu tới nay, quán phở vẫn chưa bao giờ dùng chanh hay quất mà chỉ dùng loại giấm tỏi làm thủ công.
Anh Cồ Việt Hải - con trai ông Việt, cháu nội cụ Chiêu, người đang tiếp nối quán phở gia đình giải thích: "Chanh có vị chua, khi vắt vào bát phở sẽ dễ phá vỡ vị thơm của thịt bò nên quán dùng giấm tỏi chứ không có chanh. Khách đến quán hầu hết là khách quen nên chẳng xa lạ gì điều này".
Ông Trần Trung Minh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) - khách quen của quán phở Cụ Chiêu chia sẻ: "Tôi vẫn thường hay ghé quán Cụ Chiêu để ăn phở. Bát phở ở đây luôn có điểm khác biệt so với ở chỗ khác, nước thơm ngọt, thịt ăn vừa miệng. Quán không dùng chanh vắt vào phở mà có loại giấm tỏi rất hợp vị. Quán tuy chật nhưng gọn gàng, sạch sẽ, gia chủ niềm nở".
Ở đây bán tất cả thể loại phở bò như: Tái, chín, tái chín, tái nạm, chín gầu, chín giòn, tái gầu, tái giòn, bắp và suất đặc biệt. Quán mở từ 6 giờ sáng đến 23 giờ tối nên lượng khách cứ túc tắc đến thưởng thức mà không quá đông đúc hay phải xếp hàng như những quán khác.
(Theo Dân Trí)
Ngày bán 30 tô phở mang về, chủ quán 'bạc đầu' lo 30 triệu đồng mặt bằng
Qua 2 tuần mở cửa bán mang về, quán ăn của bà Thu (TPHCM) giảm 70% doanh thu so với trước dịch. Chủ tiệm phở phải cho nhân viên nghỉ hết vì lo cuối tháng không đủ tiền trả lương và mặt bằng.