"Tết nhắc tôi nhiều hơn ý thức về nguồn cội và quyết định ở hay về. Với tôi, gia đình là tất cả", Phan Mạnh Tân, người được xem là “quán quân Olympia thành đạt nhất”, chia sẻ.

Là một gương mặt “khó quên” của cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia”, cậu học trò Hà Tĩnh Phan Mạnh Tân, Quán quân mùa thứ 2, giờ là kiến trúc sư phần mềm ở tập đoàn IBM, tập đoàn công nghệ thông tin lớn toàn cầu.

{keywords}

Hiện Tân sống ở Úc, với gia đình nhỏ của mình gồm vợ, cũng là du học sinh, hiện làm ở một công ty tài chính Úc, và 2 con nhỏ - một 6 tuổi và một 2 tuổi, với một cuộc sống rất hạnh phúc.

Chọn một người vợ có nhiều đức tính giống mẹ mình, sống hết mình cho tổ ấm, gìn giữ những giá trị văn hóa Việt cho con cái, là chân dung của chàng quán quân Olympia thành đạt này.

Thế nên, Tết Việt với Tân, có một sự thiêng liêng đến đặc biệt mà những tâm sự dưới đây sẽ giúp bạn hiểu, tại sao với chàng trai này, Tết lại thiêng liêng đặc biệt đến thế.

{keywords}
Gia đình nhỏ ở Úc của Phan Mạnh Tân

Người không ý thức nguồn cội, sẽ không phát triển được…

Hẳn anh sẽ rất khó quên, cái Tết xa nhà đầu tiên kể từ ngày xa xứ?

Đó là Tết 2003, năm đầu tôi xa nhà, nhưng không phải là một cái Tết buồn. Tôi ở lại cùng các anh chị du học sinh Việt Nam qua Úc trước tôi, cùng tụ tập nấu nướng, đón giao thừa bên đó.

Mọi người trang trí Tết, chuẩn bị đồ ăn giống như ở Việt Nam, chẳng thiếu thốn gì, anh em gần gũi, nên cũng không mấy ai cảm thấy xa lạ hay lạc lõng.

Tôi qua Úc được 13 năm, kể từ ngày giành vòng nguyệt quế. 13 năm đó, tôi về nhà 5 lần vào dịp Tết, còn lại là ở Úc.

Dịp Tết ta, ở Úc đang là thời tiết mùa Hè, rất nóng. Nếu năm nào Tết đúng dịp cuối tuần, anh em bên này vui lắm. Trúng ngày nghỉ làm, chúng tôi thức đến 4-5 giờ sáng. Giao thừa, anh em đều gọi điện về nhà rồi sau đó đi chùa.

Tết đúng cái ngày đi làm hay ngày đi học sẽ buồn hơn một chút, chạnh lòng một chút nhưng rồi cũng quen. Nhưng dù thế nào, vẫn tranh thủ gọi điện về Việt Nam chúc Tết gia đình đúng thời khắc quan trọng của một năm.

Trong 13 năm đó, khoảng 6-7 năm tôi đi làm đúng mồng 1 Tết.

Vậy, Tết quan trọng như thế nào với cuộc sống của anh? Nó nhắc anh điều gì - tuổi thơ, gia đình hay điều gì khác nữa?

Không riêng gì tôi, với tất cả các du học sinh ở đây, luôn có trong mình hình ảnh Việt Nam, hình ảnh gia đình với những gì thân thuộc. Thế nên, đón Tết, dù phải thức khuya để sáng hôm sau đi làm có mệt một chút cũng phải chịu.

Tết với tôi là sự ấm áp, là sự hiếu nghĩa, sự gắn kết nhau hơn của người Việt mình, của sự quần tụ gia đình không dễ có ở những quốc gia khác.

Dân Olympia tập trung chủ yếu ở Úc. Mọi người gắn kết với nhau thế nào, nhất là dịp Tết?

Anh em Olympia ở Úc chơi khá thân với nhau, hay tụ tập lắm, thường xuyên thăm nhau nếu có thời gian và chia sẻ với nhau được nhiều điều. Chúng tôi ở gần, thỉnh thoảng cũng đi đá bóng chung, đi chơi.

Hai em Hân và Đức, Quán quân các mùa gần đây, rất hay ghé nhà tôi chơi. Hân đang làm Tiến sĩ còn Đức thì chuẩn bị. Không riêng gì dân Olympia, mà du học sinh nói chung, đều rất gắn kết.

Năm nào chúng tôi cũng có bánh chưng trong nhà. Hoặc là chúng tôi tự nấu nếu có thời gian. Hoặc là chúng tôi đi mua nếu bận bịu quá.

Mấy năm nay vợ tôi gói bánh chưng. Cô ấy người Bắc, khá cổ truyền, nên chuyện bếp núc, nội trợ, rồi gói bánh chưng khá là khéo.

Hẳn cuộc sống và phong cách sống của anh, nếu căn cứ vào một số điều anh nói ở trên, thì anh là người đàn ông khá truyền thống. Tôi nói không sai chứ?

Anh nói đúng. Tôi qua Úc năm 20 tuổi, tôi thấy mình vẫn luôn là người Việt Nam và cũng không bao giờ mình muốn khác điều đó.

Môi trường bên này thân thiện, đa văn hóa, mình cố gắng hòa đồng, hòa nhập để làm việc cho tốt. Nhưng đó là công việc. Còn cuộc sống và cách sống là do mình chọn cho mình.

Tôi ý thức rất rõ về hai từ là “gia đình” và “nguồn cội”, dù tôi có ở nước nào, hay ở Việt Nam. Không chỉ từ cuộc sống của tôi, mà cuộc sống của con tôi, tôi cũng muốn con ý thức điều đó.

Vợ chồng tôi muốn nếp sống của gia đình tôi vẫn là nếp sống gia đình Việt, con cái phải nói được tiếng Việt tốt, muốn văn hóa Việt Nam được bảo tồn, ít nhất trong gia đình nhỏ của tôi.

Chúng tôi dạy con theo cách truyền thống nhưng chăm con theo phong cách hiện đại. Con chúng tôi vừa phải học tiếng Việt, lại vừa học các lớp luyện thể lực như đá bóng, cầu lông.

Dù tôi biết, thực tế sẽ khó khăn vì bố mẹ bận bịu trong khi các cháu đi học ở trường thì phải hòa nhập với bạn bè. Trong khi, sợi dây gắn kết họ hàng ở xứ người rất ít, các cháu chỉ có bố mẹ thôi.

Chúng tôi tranh thủ dịp cuối tuần cho các cháu đi chơi ở các gia đình người Việt để các cháu nói tiếng Việt được tốt hơn.

Nói gì nói, cả tuần các cháu là người Úc, nên cuối tuần, bằng mọi cách, chúng tôi sẽ cho các con được sống bằng nếp sống, văn hóa của người Việt.

{keywords}

"Tôi dạy con theo phong cách truyền thống nhưng chăm con theo phong cách hiện đại"

Học xong, để ở lại nước ngoài, quyết định đó với anh khó khăn lắm không?

Quyết định không hẳn khó khăn vì lúc đó, kể cả đến giờ, tôi cũng chưa xác định sẽ ở lại Úc lâu dài. Học xong, có nơi mời làm việc, thấy công việc hợp lý, ổn định, phù hợp với chuyên môn thì đi làm.

Vợ tôi cũng có công việc làm đúng với cô ấy học. Chúng tôi lựa chọn một cách tự nhiên, thuận theo tự nhiên công việc, nhất là khi nó đáp ứng sự ổn định cho một cặp vợ chồng có con nhỏ.

Nhưng, năm nào chúng tôi cũng luôn tự hỏi: Mình nên ở Úc một thời gian nữa hay về. Nhất là dịp Tết, câu hỏi ấy lại càng thường trực vì lúc đó, cảm giác xa nhà, không được gần gũi bố mẹ lại đốc thúc chúng tôi nhiều hơn.

Những lúc ấy, vợ chồng tôi lại suy nghĩ. Chúng tôi suy nghĩ nhiều cho gia đình và con cái bởi vì đến một tuổi nào đó, chúng tôi không suy nghĩ nhiều cho bản thân mình nữa. Đó chính là sợi dây gắn kết gia đình của chúng tôi với bố mẹ, và với các con.

Sống bên này, các cháu xa ông bà, xa anh chị em; chúng tôi cũng xa người thân, bạn bè cùng trang lứa. Tôi nghĩ rằng đó là sự thiệt thòi lớn.

Các cháu lớn lên bên này, không biết cái gốc Việt, văn hóa Việt các cháu còn giữ được hay không? Nếu một con người không có nguồn cội, họ sẽ không phát triển toàn diện được.

Tất nhiên, bù lại, ở Úc, môi trường học tập và cuộc sống không phủ nhận được là nó tốt hơn Việt Nam rất nhiều.

Nói đưa ra một quyết định lúc này việc ở lại hẳn hay về, chúng tôi không quyết định được. Quan tâm chính của chúng tôi bây giờ là sự phát triển của con cái, nên chúng tôi cần thời gian để quan sát sự phát triển ấy và sẽ có quyết định cho mình.

{keywords}

"Quan tâm chính của vợ chồng tôi bây giờ là con cái"

Gia đình quyết định mọi lựa chọn của tôi

Quyết định lựa chọn cuộc sống tùy thuộc vào con cái ở cái tuổi 30, có quá…cổ hủ không anh?

Tôi không gọi tên nó, chỉ biết nó vô cùng quan trọng. Công việc một phần, nhưng khi đã có con, thì con cái sẽ có một vai trò rất lớn trong quyết định của bố mẹ trong việc về nước hay ở lại xứ người.

Tất nhiên, một yếu tố nữa là bố mẹ chúng tôi ở Việt Nam. Bố mẹ năm nay đã lớn tuổi, cũng có nhu cầu được ở gần con cái và chúng tôi cũng muốn được chăm sóc bố mẹ. Chúng tôi sống để hướng về gia đình nhiều hơn.

Cũng có thể suy nghĩ của tôi khá Việt Nam. Qua Úc năm 19-20 tuổi, tôi đã được định hình về tính cách. Một tính cách Việt Nam dù tôi đi làm ở môi trường nước ngoài và phải hòa nhập với phong cách của nơi mà tôi sống, làm việc.

Suy nghĩ của vợ chồng tôi là suy nghĩ truyền thống. Vợ tôi người Bắc, truyền thống gia đình, nguồn cội cũng rất nặng. Tôi lại là con trưởng, nên ý thức lẽ giáo cũng lớn.

Cả hai gia đình bố mẹ tôi và vợ, đều là những gia đình tôn trọng truyền thống, lễ giáo, và hơi hoài cổ. Chúng tôi cũng thế thôi, con nhà tông không giống lông cũng giống cánh mà.

Khi người trong nước đang chứng minh họ sống hiện đại, thì một người khá thành đạt, sống ở môi trường nước ngoài lại chọn cách sống truyền thống…

Chúng tôi không gồng mình lên để chứng minh mình Tây hay Ta, mà vấn đề là chúng tôi đều thích sự quây quần ấm úng của cả đại gia đình trong dịp Tết.

Ở đó, chúng tôi có tuổi thơ, có cội nguồn, có gia đình.

Tết này, vợ chồng chúng tôi cũng bàn bạc kỹ chương trình, mời mọc anh em đến nấu bánh chưng. Tết rơi vào thứ Hai, nhưng chúng tôi sẽ làm trước, vào cuối tuần.

Tết phải tổ chức, không phải cho mình nữa mà cho các cháu, vì các con phải biết về tết cổ truyền của Việt Nam, để ngấm văn hóa Việt từ tấm bé.

{keywords}

"Tôi muốn dành thời gian cho con. Đưa con đến những nơi mà hồi nhỏ tôi mơ ước"

Năm qua có một cuộc tranh cãi nảy lửa về ở hay về của dân Olympia và những người trong nước. Dân Olympia đa số ủng hộ việc ở lại với nhiều lý do, nhiều trải nghiệm. Vậy ý kiến của anh thế nào?

Tôi có theo dõi những luồng ý kiến của các anh em. Điều tôi thấy là, tất cả anh em suy nghĩ đều xác đáng.

Xem lại bản thân mình, tôi thấy rằng những ý kiến đấy vô cùng quan trọng, xem như là những yếu tố để vợ chồng tôi đưa ra quyết định ở hay về

Nhưng, quyết định của vợ chồng tôi, điều lớn lao nhất như tôi đã nói, là yếu tố gia đình. Công việc, sự nghiệp, không phải là điều mà vợ chồng tôi ưu tiên nhất vào lúc này. Mà chính là sự phát triển của con cái và chăm sóc cha mẹ.

Nếu chúng tôi có kiến thức và tự tin thì ở đâu cũng có thể làm việc được. Về Việt Nam đâu cứ phải nhất thiết vào các cơ quan nhà nước để làm?

Ngành học của vợ chồng tôi thì dù Úc hay Việt Nam, chọn một chỗ làm việc cũng không mang lại sự khác nhau nhiều lắm đâu. Dù cách làm việc khi chúng tôi trở về có phù hợp hay không, tôi chưa thể khẳng định được.

Chúng tôi đều là người Việt Nam, nhất là tôi, gốc miền Trung, sự chăm chỉ, chịu khó đã có sẵn trong máu. Nên vượt qua những khó khăn không phải là thứ đáng phải suy nghĩ nhiều.

Nghĩa là, chúng ta không thể tìm được một nơi lý tưởng nhất để sống nếu chúng ta chưa thực sự hiểu bản thân mình cần điều gì nhất, chứ không phải là hiểu cái nơi mình đến?

Đúng vậy. Tôi có nhiều bạn bè về Việt Nam, thành công nhiều lắm. Những ai thực sự giỏi, quyết tâm, thì về Việt Nam cũng có rất nhiều cơ hội.

Nếu các bạn chưa có gia đình, các bạn sẽ đưa ra những quyết định mà ở đó, những lực tác động của quyết định đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp lên các bạn. Còn tôi, sẽ tác động đến bao người khác nữa.

Chẳng phải sợ sệt hay hy sinh gì cả, mà vấn đề là chúng tôi, con cái chúng tôi, gia đình chúng tôi sẽ được gì trong quyết định ấy.

Niềm vui không thể đo bằng tiền hay sự thành đạt ngất ngưởng, mà nhiều khi nó ấm áp, thuần khiết như sự sum họp ngày Tết vậy.

{keywords}

Phan Mạnh Tân cùng bố mẹ tại Úc

Muốn đá bóng với con trọn đời như vẫn từng đá bóng với bố

Đã bao giờ vợ chồng anh có ý định đón bố mẹ sang Úc sống cùng?

Chúng tôi rất muốn ba mẹ sang sống một thời gian dài, một vài năm để các cháu được ở gần ông bà, chúng tôi được ở gần bố mẹ. Tuy nhiên định cư hẳn thì bố mẹ không thích vì qua đây cũng buồn.

Nếu cả bố lẫn mẹ sang thì yên tâm hơn. Còn nếu ông ở đây bà ở nhà thì cả hai lại không yên tâm vì đều lo nghĩ cho nhau rất nhiều khi ở xa nhau.

Sở dĩ tôi muốn sống cùng gia đình vì thú thực, sợi dây liên kết của tôi với gia đình rất chắc chắn. Bao năm qua tôi với bố như là bạn. Năm nay bố đã 60 nhưng vẫn đi đá bóng với con trai, gần gũi thân thiết lắm.

Tôi cũng muốn con tôi gần gũi với bố mẹ tôi như tôi gần gũi với bố mẹ thành một sợi dây liên kết bền chặt.

Bố mẹ anh chờ đợi hình ảnh nào ở anh từ khi một cậu bé đến giờ - một mẫu đàn ông rạng danh vinh quy bái tổ, một người giàu có để xứng đáng với một thời miệt mài đèn sách, hay gì khác?

Bố mẹ tôi, đặc biệt là mẹ, đã hy sinh vì chồng con quen rồi. Đến giờ mẹ tôi cũng chỉ mong sao con cái khỏe mạnh, nhắc nhở ăn uống đủ, ngủ đủ để có sức khỏe, gia đình êm ấm hạnh phúc và các cháu ngoan.

Mẹ thỉnh thoảng hơi tủi thân vì sống xa con. Còn bố tôi với tôi thì thân thiết. Hai bố con chỉ mong có nhiều thời gian bên nhau, ông vui với cháu, đá bóng với cháu, chơi cầu lông với con trai.

Bố mẹ tôi cũng không mong con cái đặc biệt thành đạt hay làm được một cái gì đó ghê gớm. Ông bà thích một cuộc sống vừa vặn, ấm áp, đủ thời gian dành cho nhau.

Mẹ tôi là giáo viên dạy văn, bố tôi là một giáo viên dạy hóa học. Mẹ là một điển hình của phụ nữ Việt Nam, chăm sóc quan tâm tận tụy gia đình và hay lo từ cái lớn nhất đến cái nhỏ nhất cho con cháu.

Lúc này là lúc chúng tôi phải lo sức khỏe cho mẹ nhiều hơn nhưng mẹ vẫn phải lo cho anh em tôi theo quán tính, theo bản năng của một người mẹ thương con.

Bố mẹ đã hy sinh vì chúng tôi rất nhiều và chính những quan tâm nhỏ nhặt ấy đã làm cho con cái sống tình cảm hơn

Anh có tìm thấy hình ảnh mẹ trong hình ảnh vợ mình?

Vợ tôi có nhiều nét giống mẹ tôi dù khác nhau về thế hệ. Việc quan tâm đến gia đình, hết lòng vì con cái và thích những giá trị truyền thống là điều khá giống.

{keywords}

"Vợ tôi có một phần hình ảnh của mẹ tôi"

Đỉnh cao trong cuộc sống anh muốn vươn tới là gì?

Tôi có ước mơ nhưng không phải là người quá tham vọng. Tôi biết sức mình có hạn và mỗi một thời điểm có một mối ưu tiên riêng. 5 năm qua, tôi thấy yếu tố gia đình quan trọng hơn và muốn nuôi dạy con cho tốt.

Đến lúc con cái tương đối lớn, thấy môi trường nhà trường quan trọng hơn với các cháu, thì tôi lại tập trung trở lại cho sự nghiệp của mình và muốn làm điều gì đó đột phá. Hai vợ chồng tôi cũng có nhiều dự án cho bản thân.

Tất nhiên, bao giờ mình cũng gắng làm tốt nhất công việc của mình, và làm hết khả năng, và thời gian. Đi chậm cũng được, phải chắc.

Và đỉnh cao tôi vươn tới lại là gia đình. Tôi muốn là một người cha gần gũi con, đến 60 tuổi vẫn đá bóng và đánh cầu lông với con mình như là bố tôi. Sự thành công của người đàn ông có nhiều cách để đo.

Quan trọng nhất là mình được làm cái mình muốn và dành thời gian để sống một cách chất lượng với gia đình, con cái mình. Để chơi, để làm bạn với con, cùng con khám phá những điều mà từ tuổi thơ tôi đã ước mơ mà chưa khám phá được.

Sinh con cái, chúng tôi thấy nuôi con là một việc cực kỳ khó. Giáo dục con làm sao để cho các cháu phát triển hết khả năng, cực kỳ khó. Có nhiều điều chúng tôi muốn làm vẫn chưa làm được nên cần thêm thời gian.

Làm được, chúng tôi sẽ là những ông bố, bà mẹ thành công và đáng tự hào

Cảm ơn và chúc anh làm được những điều anh mong muốn!

Theo Trí Thức trẻ

Chuyện của một giáo sư sống ở 40 nước

Tôi đã phải rời đất nước vì những mục tiêu của cuộc đời mình. Trong cuộc hành trình khắp toàn cầu, tôi đã sống ở 40 quốc gia và nói một số thứ tiếng.

Chảy máu chất xám: Chắc gì đã thiệt!

Theo một nghiên cứu, các quốc gia bị đánh giá là "chảy máu chất xám" nhiều đôi khi lại là những quốc gia "thu hoạch chất xám" nhiều nhất