Trong bối cảnh hiện nay phải thiết lập tư duy 'Quản trị biển' chứ không chỉ 'Quản lý biển'.

Biển mạnh trước hết là phải sống được nhờ biển

Chiến lược biển Việt Nam năm 2007 và Luật Biển năm 2012 đã thể hiện rõ quyết tâm của Việt Nam trong việc tiến ra biển để phát triển. Đây là những văn bản pháp lý, định hướng phát triển biển, là cơ sở, cẩm nang cho việc chỉ đạo xây dựng các chính sách, sử dụng biển cũng như các kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên, quản lý không gian biển và huy động tổng lực các khả năng thực hiện. Song, từ những định hướng tổng thể này, chúng ta vẫn chưa đề xuất được các giải pháp khả thi cũng như phương pháp đánh giá, giám sát, kiểm soát các hoạt động trên biển.

Chiến lược biển của chúng ta “nói”, phải xây dựng một quốc gia mạnh về biển. Nhưng, mạnh về biển là như thế nào? Ở các nước phát triển, người ta nói rất rõ, biển mạnh trước hết là phải sống được nhờ biển, phải bảo vệ được môi trường biển và bảo vệ được những người dân ở trên biển. Rồi tiếp nữa là trên trường quốc tế, phải có tiếng nói, đồng thời, phải giữ được biển, đó là không gian tâm linh mà cha ông để lại.

{keywords}
Ảnh: sggp

Để sống được nhờ biển, phát triển bền vững từ biển, chúng ta phải có phương thức quản lý đúng, có sách lược, quy hoạch phát triển phù hợp, rõ ràng, có định hướng mục tiêu cụ thể là phải đạt gì, vào thời gian nào. Chẳng hạn, với ngư dân, Nhà nước phải chỉ cho dân là cần khai thác cái gì, khai thác ở đâu, khai thác bao nhiêu, rồi bán như thế nào, thị trường ở đâu, Nhà nước cần hỗ trợ cái gì cho ngư dân; cần làm gì để gìn giữ, tái tạo nguồn lợi từ biển, giữ biển cho cuộc mưu sinh lâu dài.

Xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực biển

Thế kỷ  XXI là thế kỷ của đại dương và biển. Để đáp ứng với công cuộc hướng mạnh ra biển, chinh phục và khai thác nguồn tài nguyên lợi thế của biển, các quốc gia ven biển cần hội đủ ba thế mạnh “tổng lực”: Mạnh về kinh tế biển; mạnh về khoa học, công nghệ biển; và mạnh về thực lực quân sự biển.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ khoa học (PGS, TSKH) Nguyễn Tác An, Phó Chủ tịch Hội Khoa học - Kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang được báo chí dẫn lời khuyến cáo, trong bối cảnh hiện nay, muốn phát triển bền vững biển đảo, muốn làm chủ biển, đảo, chúng ta rất cần phải thiết lập tư duy'Quản trị biển' chứ không chỉ 'Quản lý biển'. Do vậy cần tạo ra kỷ cương, xây dựng một hành lang chính sách và luật pháp trong công tác quản lý biển, bảo đảm chặt chẽ, minh bạch và toàn xã hội đều hoạt động, vận hành trong khuôn khổ hành lang quy tắc đó'.

{keywords}
Ảnh: Zing.vn

Bằng phương thức quản trị, ta sẽ xây dựng quy hoạch không gian phát triển trên cơ sở các tính toán, phân tích từ nghiên cứu khoa học, dựa trên tiếp cận hệ sinh thái và tiếp cận thích nghi. Từ quy hoạch tổng thể, chúng ta triển khai quy hoạch đối với từng khu vực, địa phương, ngành nghề cụ thể với các mối liên kết và hài hòa lợi ích. Đồng thời, xây dựng kỷ cương, hành lang chính sách và luật pháp về lĩnh vực biển, bảo đảm chặt chẽ, minh bạch. Dưới vai trò điều phối của bộ phận quản lý chiến lược, cơ chế quản trị sẽ huy động hiệu quả toàn bộ nguồn lực của hệ thống chính trị, vận hành trong khuôn khổ những quy tắc và chuẩn mực đã thống nhất. Theo guồng quay đó, cái gì không đúng quy tắc thì nó sẽ tự động bị loại ra.

Chính phương thức quản trị sẽ giúp chúng ta khắc phục 3 hạn chế lâu nay thường mắc phải: Không quản lý được đồng vốn, xã hội không vận hành theo đúng quy luật, không tạo ra được sự liên kết, phối hợp và đột phá trong phát triển. Tất cả những điều đó rất cần trong quản lý biển, đảo.

Chúng ta phải đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, công nghệ, xác định đột phá về sáng tạo trong nhận thức, sáng tạo công nghệ; đào tạo nhân tài chuyên môn về biển và các ngành liên quan. Đồng thời, cần xây dựng các giải pháp sử dụng biển, đảo hợp lý và hiệu quả; nâng cao vai trò và định hướng của công tác phân vùng chức năng, của quy hoạch; nâng cao trình độ, kỹ năng, hiệu quả khai thác, sử dụng và bảo vệ mội trường biển, tăng cường khả năng thăm dò, điều tra đánh giá các giá trị phát triển của biển, hải đảo.

Mặt khác, cần sinh thái hóa và phát triển xanh ở Biển Đông, nỗ lực tối đa hóa phúc lợi kinh tế, xã hội và văn hóa, không chỉ từ khai thác tài nguyên biển, đảo, mà còn từ đầu tư cung cấp các dịch vụ, tạo sự công bằng trong việc phân bổ nguồn tài nguyên khan hiếm và các dịch vụ giữa các nhóm kinh tế và xã hội khác nhau, duy trì phát triển bền vững tài nguyên biển, đảo theo các nguyên lý cân bằng sinh thái.

PGS, TSKH Nguyễn Tác An cũng cho rằng, yếu tố nhân lực cũng là vấn đề thách thức lớn trong phát triển bền vững biển đảo của ta hiện nay. Nếu giải quyết được nhu cầu nhân lực sẽ tạo được đột phá...

Việt Nam cần hướng tới đào tạo các chuyên gia thực sự hiểu thấu đáo bản chất biển, đảo trên những nền tảng khoa học cơ bản, để giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến phát triển cũng như kỹ năng công nghệ và các mối quan hệ biện chứng. Họ có năng lực xây dựng quy trình đưa ra quyết định và chính sách tổng hợp; các thể chế quản trị và phát triển, đáp ứng các yêu cầu của công cuộc quản lý biển, nhất là trong bối cảnh nóng của Biển Đông hiện nay.

“Tiềm năng đất nước còn nhiều nhưng tùy thuộc vào dân chúng và Nhà nước có quyết tâm chính trị, tiếp nhận những phương thức quản lý có tính thời đại thì mới phát triển lâu dài và thịnh vượng đồng đều cho mọi người”, ông Nguyễn Tác An nhấn mạnh.

Hằng Tâm - Hoàng Oanh