Niềm say mê sách từ lâu đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân và trở thành một nét đẹp văn hóa. Tại ngôi làng này cũng có một thư viện với 4.000 đầu sách để phục vụ nhu cầu của bà con.

Làng thuần nông mê sách

Từ lâu, làng Quảng Xá, xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) được biết đến là vùng đất hiếu học. Làng quê thuần nông này là nơi đã sản sinh ra nhiều nhà giáo, giáo sư, tiến sĩ thuộc nhiều lĩnh vực đang sinh sống và làm việc khắp cả nước.

Tại làng Quảng Xá, người dân từ già đến trẻ đều có thói quen trong việc đọc sách, đọc báo... Niềm say mê này từ lâu đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân quê nghèo Quảng Xá và trở thành nét đẹp văn hóa độc đáo. Phong trào đọc sách cũng đã góp phần năng cao dân trí cho các tầng lớp nhân dân ngôi làng này trong thời kỳ hội nhập.

{keywords}
Các em nhỏ tại Quảng Xá đến thư viện làng để tìm hiểu kho kiến thức qua những cuốn sách.

Hàng ngày sau những giờ lao động vất vả, người dân Quảng Xá lại tìm đến sách để tràu dồi kiến thức. Chia sẻ với PV Dân trí, nhiều người dân nơi đây cho biết, sách đối với họ là một món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống thường nhật. 

“Việc đọc sách với người dân làng tôi từ lâu đã là thói quen rồi. Sách không chỉ là món ăn tinh thần lúc nông nhàn, mà còn cung cấp cho chúng tôi rất nhiều kiến thức về cuộc sống, kinh nghiệm trong lao động, sản xuất”, ông Dương Văn Hùng chia sẻ.

Không chỉ những người lớn tuổi, tình yêu đối với sách còn được những người đi trước tiếp lửa cho các thế hệ trẻ của làng Quảng Xá. Trong thời đại công nghệ số, khi thói quen đọc sách đang dần bị quên lãng thì với các người dân và các bạn trẻ tại làng Quảng Xá thì tình yêu họ dành cho sách lại rất lớn.

“Cháu rất thích đọc sách, nhất là các loại sách về lịch sử dân tộc hay khám phá khoa học. Nhờ sách mà cháu biết được rất nhiều kiến thức bổ ích. Từ nhỏ cháu đã thích đọc sách bởi chính ba của cháu cũng có thói quen như vậy, cháu học thói quen này cũng từ người ba của mình”, em Nguyễn Ngọc Trâm, một học sinh lớp 6 tâm sự.

Thư viện làng với 4.000 đầu sách

Mặc dù rất thích đọc sách nhưng khó khăn với người dân làng Quảng Xá vẫn là lượng sách hạn chế bởi họ ít có điều kiện mua, tiếp xúc với sách. Nhằm đáp ứng nhu cầu đọc sách của mọi người, vào năm 2001, một nhóm hưu trí tại ngôi làng này đã dành dụm tiền lương hưu thuê thợ đóng tủ, kệ sách, bàn, ghế, rồi góp sách xây dựng thư viện.

Ông Dương Viết Trung, người quản thư viện làng Quảng Xá cho biết, để thư viện ngày càng có nhiều sách, thu hút nhiều bạn đọc, các cụ trong ban sáng lập đã gửi thư đi mọi miền đất nước và kêu gọi con em trong làng sống xa quê ủng hộ sách xây dựng thư viện.

Đến nay, thư viện sách của làng Quảng Xá đã có hơn 4.000 đầu sách phục vụ người dân. Thư viện này luôn thu hút được rất đông người dân tìm đến đọc sách cũng như mượn sách về nhà để đọc.

“Chúng tôi xây dựng thư viện không chỉ để phục vụ nhu cầu đọc của người dân trong địa phương mà còn muốn lan tỏa văn hóa đọc đến mọi người ở đại phương khác. Chúng tôi cũng rất mong muốn mở rộng, xây dựng thêm nhiều thư viện hơn nữa để phục vụ nhu cầu đọc của toàn thể mọi người”, ông Trung nói.

Đến nay, thư viện làng Quảng Xá đã có đầy đủ các thể loại như tiểu thuyết, thơ, sách thiếu nhi, khoa học, sức khỏe, nông nghiệp nông thôn, sách về pháp luật, danh nhân trong nước và thế giới...

{keywords}
Đến nay, thư viện sách của làng Quảng Xá đã có hơn 4.000 đầu sách phục vụ người dân.


Gọi là thư viện làng nhưng thư viện này còn có một số sách quý như: Bách khoa Tri thức; lịch vạn niên dịch học phổ thông; Đại Nam quốc âm tự vị; Chân dung anh hùng thời đại; Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc và Danh nhân văn hóa thế giới...

Có thể nói, thư viện làng Quảng Xá thực sự là địa chỉ sinh hoạt văn hóa hữu ích, hình thành nên phong trào đọc sách ở trong nhân dân.

Ông Trần Đại Thọ, Chủ tịch UBND xã Tân Ninh cho biết, chính quyền địa phương đã và đang quan tâm đầu tư hỗ trợ thư viện để nhân dân hưởng ứng và nâng cao văn hóa đọc.

Bên cạnh đó địa phương này cũng khuyến khích và hỗ trợ người dân toàn xã nâng cao tình thần đọc sách và triển khai nhiều mô hình thư viện để người dân có điều kiện tiếp xúc với kho kiến thức vô tận này.

Theo Dân Trí