Mời quý độc giả theo dõi video:

Nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tập trung chủ yếu ở lứa tuổi từ 13-17 và thường xảy ra ở những bản làng có kinh tế khó khăn, cách xa trung tâm xã và trường học. Thực trạng này đã và đang là một trở ngại đối với sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững, sự tiến bộ của xã hội.

Trong thời gian vừa qua, bằng những giải pháp thiết thực và cách làm sáng tạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang đã dần xóa bỏ các phong tục lạc hậu, tăng cường tuyên truyền phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để xây dựng đời sống văn hóa tại địa phương.

Qua đó, thực hiện có hiệu quả các nội dung trong Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I: 2021 - 2025.

Thôn Mác Thượng, xã Tân Trịnh có tổng 205 hộ, trong đó có 175 hộ dân tộc Pà Thẻn, 32 hộ nghèo.

Trong những năm gần đây, thôn đã có những đổi mới về phong tục tập quán và nếp sống, giúp nhân dân các dân tộc trong thôn từng bước phát triển kinh tế - xã hội. Một trong cách làm của thôn là việc đẩy mạnh các hoạt động văn hóa và giáo dục trong các buổi sinh hoạt chi bộ, họp thôn, câu lạc bộ và các hoạt động khác được tổ chức thường xuyên tại thôn.

Việc tuyên truyền cho nhân dân trong thôn về hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu được thôn triển khai qua nhiều kênh, nhưng có một kênh mang lại hiệu quả tích cực đó chính là Người có uy tín. Những Người có uy tín tích cực tuyên truyền đến từng hộ gia đình, làng xóm, nhóm hộ; tuyên truyền thông qua các buổi họp xóm, trong những ngày bà con tập trung để giúp nhau ngày công lao động…

Thông qua việc tổ chức các buổi sinh hoạt cộng đồng, các hoạt động văn hóa, văn nghệ để người dân được tiếp cận những nét văn hóa mới, tiến bộ; thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, tự giác xóa bỏ các hủ tục lạc hậu... qua đó nhận thức của phần lớn người dân trong thôn đã được nâng lên, đặc biệt đã ý thức được mặt trái của các hủ tục, dần thay đổi nếp sống, cách nghĩ.

Đến nay, cơ bản nhân dân đã chủ động chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, sản lượng và giá trị cao vào sản xuất; thực hiện nếp sống văn hoá, ăn, ở hợp vệ sinh, chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giảm tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết; một số hủ tục từng bước được loại bỏ.

Thôn Nặm O, xã Tân Bắc là nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số chiếm phần lớn số dân, người có uy tín là nòng cốt trong tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thay đổi nếp nghĩ, cách làm từ đó giảm thiểu tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống trong khu dân cư.

Trước đây, thôn vẫn có nhiều trường hợp tảo hôn nhưng hiện nay, tình trạng tảo hôn hay kết hôn cận huyết thống đã kéo giảm. Có được kết quả đó, là sự quan tâm của chính quyền các cấp cùng sự tâm huyết của Người có uy tín, cấp chính quyền thôn.

Thôn đã xây dựng câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi, phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Các buổi tuyên truyền, thành viên câu lạc bộ được biết đến hậu quả, tác hại của việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, vận động đồng bào thực hiện theo quy định; tư vấn, can thiệp, triển khai các mô hình điểm và có kiểm tra, đánh giá việc thực hiện…

Chính quyền thôn cùng nhân dân còn xây dựng hương ước, quy ước, thông qua đó quản lý, điều chỉnh các chuẩn mực ứng xử, nếp sống văn hoá trong đời sống của nhân dân.

Nhằm phát huy phong tục tập quán truyền thống tốt đẹp, loại trừ hủ tục, bảo tồn phát huy những yếu tố tốt đẹp, bổ sung điểm mới, tiến bộ, nhằm xây dựng đời sống văn hoá giàu bản sắc, với những sản phẩm văn hoá đa dạng, phục vụ cho việc khai thác phát triển du lịch cộng đồng, tạo sinh kế bền vững cho nhân dân, huyện đặt mục tiêu: 

Phấn đấu đến năm 2025, 100% cán bộ hội viên nông dân từ các chi, tổ hội gương mẫu thực hiện và có trách nhiệm vận động người thân trong gia đình xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh; đến hết năm 2025, có từ 80% trở lên các hộ gia đình hội viên, nông dân nhận thức được tác hại, hệ lụy của các phong tục, tập quán lạc hậu; sự cần thiết và tích cực tham gia bài trừ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu của gia đình, dòng họ.