Quảng Bình là tỉnh có thế mạnh về biển, với bờ biển dài trên 116km. Bờ biển Quảng Bình có nhiều thắng cảnh đẹp, cùng với thềm lục địa rộng gấp 2,6 lần diện tích đất liền tạo cho địa phương có một ngư trường rộng lớn với trữ lượng khoảng 10 vạn tấn và phong phú về loài (1.650 loài).

Ngoài ra, Quảng Bình nằm trên trục Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh, gần kề với đường xuyên Á qua quốc lộ 12A và Cửa khẩu quốc tế Cha Lo là điều kiện thuận lợi trong giao lưu kinh tế - xã hội với các nước trong khu vực.

anh bai thay sua.jpg
Các tỉnh miền Trung có nhiều lợi thế để phát triển du lịch biển.

Từ những lợi thế rất thuận lợi đó và để phát triển kinh tế biển một cách hiệu quả, trong những năm qua, tỉnh Quảng Bình đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách, đồng thời tập trung mọi nguồn lực để đầu tư cho lĩnh vực kinh tế quan trọng này.

Mới đây, tỉnh Quảng Bình đã ban hành Kế hoạch hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển tỉnh Quảng Bình đến năm 2030 với mục tiêu thu hút các hoạt động hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển nhằm huy động các nguồn lực, tri thức, kinh nghiệm và tranh thủ tối đa sự ủng hộ của các nước, các tổ chức quốc tế và các đối tác, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Theo đó, việc hợp tác quốc tế để phát triển bền vững kinh tế biển dựa trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển, bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế và tự nhiên, giữa bảo tồn và phát triển, tăng cường liên kết, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, phát huy tiềm năng, lợi thế của biển, tạo động lực phát triển kinh tế của tỉnh.

Bên cạnh đó, cần gắn hợp tác quốc tế về biển với giữ gìn giá trị truyền thông lịch sử, bản sắc văn hóa dân tộc, tăng cường quản lý tổng hợp tài nguyên môi trường biển, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn, phòng ngừa, ngăn chặn ô nhiễm, sự cố môi trường biển.

Kế hoạch đặt ra các mục tiêu bao gồm, đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ biển để tăng hiệu quả phát triển kinh tế địa phương. Đặc biệt, cần đẩy mạnh hợp tác với nước ngoài về ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến trong điều tra, nghiên cứu, dự báo các yếu tố tự nhiên, tài nguyên, môi trường theo hướng phát triển bền vững.

Tham gia thúc đẩy và thực hiện các chương trình hợp tác trong khu vực, quốc tế về phòng, chống, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại tỉnh Quảng Bình; chủ động hội nhập quốc tế, sẵn sàng cùng tham gia, chia sẻ trách nhiệm và quyền lợi trong các hoạt động hợp tác quốc tế về môi trường biển...

Hợp tác với các quốc gia và các tổ chức quốc tế trong việc điều tra, nghiên cứu khoa học các khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển, bãi triều vùng cửa sông, cửa biển, rừng phòng hộ ven biển; đánh giá hiện trạng tài nguyên đa dạng sinh học và môi trường sinh thái khu vực ven biển Bắc Quảng Bình; tranh thủ nguồn lực từ hợp tác quốc tế để triển khai thành lập, quản lý hiệu quả Khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản Hòn La - Vũng Chùa, Khu bảo tồn biển Gò Đồi Ngâm Quảng Bình, Khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản ngoài khơi biển tỉnh Quảng Bình.

Đặc biệt, các địa phương trong tỉnh cần khai thác bền vững tài nguyên biển, phát triển du lịch biển như tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá với nhiều hình thức đa dạng, nội dung phong phú chuyên biệt hóa theo từng phân khúc thị trường khách du lịch nội địa và quốc tế từng bước đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; tiếp tục đẩy mạnh khai thác hải sản xa bờ, vùng biển xa theo hạn ngạch được giao, giảm khai thác tại vùng biển ven bờ, phù hợp với trữ lượng nguồn lợi hải sản…

Cùng với việc khai thác bền vững tài nguyên biển, chú trọng phát triển mạnh các ngành kinh tế biển, như: Du lịch, dịch vụ biển; công nghiệp ven biển; nuôi trồng, khai thác hải sản; hậu cần nghề cá; khai thác khoáng sản biển; năng lượng tái tạo; kinh tế hàng hải và các ngành kinh tế biển mới, gắn với hình thành văn hóa sinh thái biển; cải thiện sinh kế bền vững và nâng cao đời sống người dân vùng biển; thu hút đầu tư hạ tầng, hình thành các khu du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí ven biển… sẽ là tiền đề để Quảng Bình thực hiện thành công chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo.

Nguyễn Hạnh và nhóm PV, BTV