Tỉnh Quảng Nam hiện có 123/193 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 10 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, trong đó có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Phấn đấu đến cuối năm 2023, tỉnh sẽ có 130 xã đạt chuẩn nông thôn mới, thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 1 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Tính đến nay, Quảng Nam cơ bản sẽ hoàn thành được mục tiêu đề ra.

Hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Quảng Nam còn gặp một số khó khăn. Đặc biệt là Bộ tiêu chí giai đoạn 2021 - 2025 tăng thêm nhiều chỉ tiêu, quy định mức độ đạt chuẩn cao hơn dẫn đến thực trạng hầu hết các địa phương không duy trì đạt chuẩn các tiêu chí, nhất là các xã miền núi cao.

Theo số liệu của các địa phương, đến tháng 9/2023, trong 117 xã đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2021 trở về trước có đến 89 xã chưa đảm bảo duy trì chuẩn theo Bộ tiêu chí mới.

nong thon moi 1.jpg
Tỉnh tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho địa phương triển khai thực hiện.

Dù khó khăn nhưng Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã rất quan tâm Chương trình xây dựng nông thôn mới. Nguồn thu của giai đoạn này hạn chế, tỉnh Quảng Nam đã điều chỉnh giảm nguồn lực ở các cơ chế, chính sách khác, nhưng Chương trình xây dựng nông thôn mới không những không bị cắt giảm mà còn được bổ sung thêm nguồn lực (khoảng 205 tỷ đồng, gồm 155 tỷ đồng vốn đầu tư và 50 tỷ đồng vốn sự nghiệp).

Theo đánh giá sơ bộ, một số nguyên nhân về giá nhiên liệu tăng... làm ảnh hướng rất lớn đến quá trình triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới tại các địa phương, dẫn đến chậm tiến độ thực hiện và giải ngân. Tính đến cuối tháng 10/2023, các địa phương trong tỉnh giải ngân được gần 428,4 tỷ đồng trong tổng số xấp xỉ 908 tỷ đồng vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới năm 2022 chuyển sang và năm 2023 đã phân bổ, đạt tỷ lệ 47%.

Trước thực tế này, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Quảng Nam đã yêu cầu các đơn vị, địa phương đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nhằm khắc phục triệt để các hạn chế, tồn tại, vướng mắc. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án và giải ngân các nguồn vốn được giao. Đồng thời, chủ động và thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình thực hiện ở các địa phương, đơn vị để có giải pháp tháo gỡ, tạo điều kiện cho địa phương triển khai thực hiện.

Lương Bằng và nhóm PV, BTV