Ngày 30/10, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, đã có công văn gửi bà Nghiêm Thị Hằng (ở phường Cát Linh, quận Đống Đa, Hà Nội) về việc không đồng ý với đề xuất khai quật ngôi mộ cổ, có liên quan đến các giả thiết về phần mộ nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương.

Xin khai quật mộ cổ nghi của nữ sĩ Hồ Xuân Hương

Trước đó, tháng 7/2024, bà Hằng có đơn đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam cho phép khai quật ngôi mộ cổ nằm ở phường An Sơn (TP Tam Kỳ, Quảng Nam) phục vụ nghiên cứu khoa học khảo cổ để xác định hài cốt người nằm dưới mộ.

Trong đơn, bà Hằng giới thiệu là cựu chiến binh, hội viên Hội Nhà báo, nhà văn, luật gia, nhà nghiên cứu về nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Bà có nhân duyên tham gia tìm mộ liệt sĩ gần 30 năm qua và nhiều kinh nghiệm nghiên cứu về thân thế, sự nghiệp của nữ sĩ Hồ Xuân Hương - Bà chúa thơ Nôm được UNESCO vinh danh Danh nhân văn hóa năm 2022.

W-z5981446810158_1482ee1cf1ded0b7003c2de518d72562 gigapixel low resolution v2 2x.jpeg
Ngôi mộ cổ có bia 1850 ở TP Tam Kỳ, Quảng Nam. Ảnh: Hà Nam

Bà Hằng cho rằng, từ năm 2020 đã phát hiện ra ông Trần Phúc Hiển (tức Mai Sơn phủ) là người chồng thứ hai của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, quê ở làng Tam Kỳ cổ. Bà cũng nhiều lần đến phường An Sơn tìm hiểu hai ngôi mộ vô thừa nhận minh bia 1857 ghi tên Phan Thị Chi và mộ minh bia 1850 ghi tên Huỳnh Hoàn Nhân.

Năm 2021, cuốn sách Giải mã bí ẩn nữ sĩ Hồ Xuân Hương của bà góp phần làm rõ thân thế năm sinh, năm mất của Hồ Xuân Hương; đặc biệt là quan hệ hôn nhân giữa nữ sĩ với người chồng thứ hai là ông Trần Phúc Hiển.

W-z5981447028771_55e0fd09eaa18e5a69265487bf107a69 gigapixel low resolution v2 2x.jpeg
Bia ngôi mộ cổ có tên Huỳnh Hoàn Nhân mà bà Nghiêm Thị Hằng cho rằng đó là mộ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Ảnh: Hà Nam

Đầu năm 2023, bà Hằng cùng đoàn công tác đã khảo sát quần thể mộ cổ ở làng Hương Trà Tây, phần mộ có minh bia được tạo dựng tháng 2 năm Canh Tuất (1850) Huỳnh Hoàn Nhân và phần mộ có minh bia được tạo dựng tháng 8 năm Bính Thìn (1857), mộ cụ Phan Thị Chi.

Nếu qua khảo cổ, kết quả chính là phần mộ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương thì vinh dự cho tỉnh Quảng Nam khi có một ngôi mộ cổ mang giá trị về kiến trúc, lịch sử.

Không có căn cứ và cơ sở lịch sử, khoa học

Sau khi xem xét, UBND tỉnh Quảng Nam không đồng ý khai quật ngôi mộ cổ này.

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, kết quả khảo sát, dập, dịch các văn khắc mộ bia năm 1850 và mộ bia 1857 cho thấy có đầy đủ họ tên, danh xưng, quê quán, phẩm hàm, chức vị, năm sinh, năm mất.

Do đó, thông tin về hai ngôi mộ cổ vô chủ và nghi là phần mộ nữ sĩ Hồ Xuân Hương là không có căn cứ và cơ sở lịch sử, khoa học.

Đồng thời, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam giao TP Tam Kỳ chỉ đạo các đơn vị liên quan có phương án bảo vệ hiện trạng ngôi mộ cổ, tránh sự tác động, xâm hại từ yếu tố bên ngoài.

W-z5981449309239_30f56651a528818c9f4c65a2f816cb9e.jpg
Quảng Nam không đồng ý khai quật mộ cổ nghi là của nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Ảnh: Hà Nam

Theo Bảo tàng Quảng Nam, qua nghiên cứu, mộ bia 1850 là của ông Huỳnh Hoàn Nhân. Dòng văn bia ghi: "Đây là mộ cha tôi, con trai thứ ba của ông nội tôi, người họ Huỳnh, có tên tự là Huỳnh Hoàn Nhân".

Cạnh mộ ông Huỳnh Hoàn Nhân là mộ cụ bà Phan Thị, văn bia ghi: "Đây là mộ mẹ đã khuất của chúng tôi. Bà họ Phan, là vợ cả của cha tôi là Kỳ lão họ Huỳnh".

Thời điểm dựng bia ghi: "Tuế tại Bính Thìn, Trọng thu nguyệt, Hạ hoán", dịch là "Bia dựng năm Bính Thìn - 1857 vào các ngày hạ hoán tháng 8 âm lịch". Tên người dựng bia là hiếu tử Văn Dục, Văn Lập.

Nữ sĩ Hồ Xuân Hương (SN 1772) được mệnh danh là "Bà chúa thơ Nôm". Năm 1822, sau khi qua đời, bà được cho là chôn cất tại một nghĩa địa ven hồ Tây (Hà Nội). Tuy nhiên sau này, hậu duệ của bà đã nhiều lần tìm kiếm những vẫn không tìm thấy tung tích nơi an nghỉ của bà.

UNESCO vinh danh 'bà chúa thơ Nôm' Hồ Xuân HươngChủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước tối 3/12 dự lễ vinh danh và kỷ niệm 250 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, tại quảng trường Hồ Chí Minh (Nghệ An).