Tham gia chương trình tập huấn tuyên truyền phổ biến pháp luật, chị Hơ Mua ở xã Mà Cooih, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam không giấu được niềm vui. Chị cho hay, ngoài nắm bắt được nhiều nội dung hay, bổ ích về pháp luật như hiểu rõ về tác hại của tảo hôn, bạo lực gia đình, chị còn có cơ hội tiếp cận kiến thức mới về các chính sách ưu tiên cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
"Trước đây, tôi rất mơ hồ về các chính ưu tiên của Nhà nước cho người dân tộc thiểu số. Sau khi tham gia lớp tập huấn, tôi hiểu rõ hơn về chủ trương, vai trò và lợi ích mang lại từ các chương trình, dự án hỗ trợ. Thời gian tới, tôi sẽ truyền đạt lại những gì mình hiểu biết cho người thân, những người xung quanh, giúp mọi người cùng tuân thủ pháp luật, không thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật", chị Hơ Mua nói.
Xác định công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật có vai trò quan trọng, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thời gian qua, các cơ quan, ban ngành tỉnh Quảng Nam đã triển khai nhiều biện pháp, tuyên truyền để “lấp đầy” khoảng trống về kiến thức pháp luật cho người dân. Nhờ đó, nhận thức của người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được nâng lên đáng kể, nhiều hủ tục lạc hậu không còn phù hợp đã dần được xoá bỏ.
Phòng Chính sách và tuyên truyền (Ban Dân tộc tỉnh) tập trung đẩy mạnh các nhiệm vụ được giao về phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Theo đó, đơn vị áp dụng và thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng như: tập huấn kết hợp hội nghị tuyên truyền pháp luật cho người dân, lắp đặt pa nô tuyên truyền, chiếu phim ảnh liên quan một số vấn đề pháp luật, tập huấn cho các già làng, người có uy tín trong cộng đồng... Từ đó, giúp nâng cao khả năng phổ biến giáo dục pháp luật đến cán bộ và người dân miền núi.
Dựa trên đặc thù của đồng bào miền núi, Phòng tập trung vào các nhóm tuyên truyền chủ yếu như đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới, pháp luật về phát triển kinh tế - xã hội tại các xã biên giới đất liền. Ngoài ra, tuyên truyền vận động người dân xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại, cảnh giác trước âm mưu "diễn biến hòa bình", lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền của các thế lực thù địch để chia rẽ khối đại đoàn kết, chống phá Đảng, Nhà nước.
Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả tiếp cận pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số, Ban Dân tộc tỉnh cũng tổ chức hội nghị tập huấn công tác tuyên truyền chính sách dân tộc, phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi Tây Giang, Bắc Trà My, Phước Sơn, Nam Giang…
Tại hội nghị, các báo cáo viên đã trình bày, phổ biến nội dung Hiến pháp, văn bản quy phạm pháp luật, chính sách dân tộc liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Qua đó, giúp nâng cao ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật; các hành vi bị nghiêm cấm và chế tài xử lý; nội dung chính sách, pháp luật hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân...
Cùng với đó, Ban Dân tộc tỉnh chú trọng mở các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác dân tộc cấp xã, cấp huyện…
Theo thống kê, đến nay, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam đã tổ chức hơn 30 hội nghị tuyên truyền với hơn 1.000 đại biểu tại các thôn vùng dân tộc thiểu số. Đồng thời in ấn, phát hành 6.632 tờ gấp; lắp đặt nhiều pa nô tuyên truyền; phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng phóng sự, video đăng tải trên phương tiện truyền thông đại chúng...
Thời gian tới, bên cạnh tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật, Ban Dân tộc tỉnh tập trung tuyên truyền, vận động về chính sách dân tộc cho đồng bào vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới. Tiếp tục bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tuyên truyền đảm bảo về phẩm chất, năng lực chuyên môn và am hiểu tâm lý, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số.
Trên cơ sở đổi mới và đa dạng hóa nội dung, hình thức tuyên tuyền, Ban Dân tộc tỉnh sẽ lựa chọn các giải pháp phù hợp và trọng tâm, đảm bảo mục tiêu ngăn ngừa, giảm thiểu vi phạm pháp luật trong cộng đồng dân tộc thiểu số.