Tỉnh Quảng Nam có 18 huyện, thị xã, thành phố, với 70 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số (DTTS). Trong đó, đồng bào DTTS chiếm 9,4% dân số toàn tỉnh.
Những năm qua, thực hiện Quyết tâm thư Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh lần thứ III - năm 2019 và các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác dân tộc; công tác chăm lo, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị ở vùng đồng bào DTTS&MN luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các cấp, các ngành quan tâm chú trọng.
Nhiều chương trình, dự án được ưu tiên triển khai trên địa bàn miền núi, nhất là 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) cơ bản phát huy được hiệu quả. Trong giai đoạn 2021 - 2024, tổng nguồn vốn đầu tư cho vùng đồng bào DTTS&MN khoảng 7.828,6 tỷ đồng.
Đến nay, thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh đạt 24,13 triệu đồng/năm (tăng gần 8 triệu đồng so với năm 2019); tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS&MN giảm còn 22,05%; số xã miền núi đạt chuẩn nông thôn mới là 33/93 xã; 84/199 trường học đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 42,21%; 100% đồng bào DTTS được tham gia đóng bảo hiểm y tế…
Công tác phát triển nguồn nhân lực, nhất là xây dựng đội ngũ nhân lực người DTTS được thực hiện đồng bộ trong tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm. Đến nay, tổng số cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trên toàn tỉnh là hơn 3.700 người, chiếm hơn 10% tổng số cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh.
Một số chỉ tiêu vượt kế hoạch
Xét riêng về Chương trình MTQG 1719, ba năm qua nguồn lực từ Chương trình đã từng bước tác động tích cực, thúc đẩy trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo ở vùng DTTS&MN của tỉnh Quảng Nam, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn miền núi.
Cơ sở hạ tầng được đầu tư bài bản, giúp việc đi lại, khám bệnh, học hành của bà con thuận lợi hơn trước. Đặc biệt, sự hỗ trợ của Chương trình còn góp phần giúp người dân thay đổi tư duy, nhận thức để phát triển sản xuất, học tập, khởi nghiệp, xây dựng đời sống nông thôn mới, nỗ lực vươn lên; nâng cao ý thức gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của từng dân tộc, …
Tổng nguồn vốn của Chương trình MTQG 1719 trong giai đoạn 2021 – 2024 của Quảng Nam là 2.256 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư là 1.132 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là 1.124 tỷ đồng.
Từ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình đã khơi dậy nguồn lực trong dân, tập trung giải quyết các yêu cầu bức xúc, thiết thực về đời sống và sản xuất, từng bước giải quyết nhu cầu thiết yếu của người dân như: sắp xếp ổn định dân cư, xóa nhà tạm, chuyển đổi nghề nghiệp.
Sau hơn 3 năm triển khai Chương trình, tỉnh đã đạt được một số chỉ tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh, huyện đề ra.
Một trong những kết quả ấn tượng nhất trong việc triển khai thực hiện Chương trình tại Quảng Nam thời gian qua là tỷ lệ giảm nghèo ở vùng DTTS&MN đều vượt kế hoạch đề ra. Cụ thể, trong năm 2022, tỷ lệ giảm nghèo ở vùng DTTS&MN là 10,04%, năm 2023 là 9,72%, đến năm 2024 là 9,7%, trong khi đó chỉ tiêu là giảm nghèo trên 3%.
Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu vượt kế hoạch như tỷ lệ thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa đạt 98,81; tỷ lệ đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh: 95%; tỷ lệ lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người DTTS và đặc thù vùng DTTS&MN là 51,41%;…
Không những thế, từ nguồn lực của Chương trình, tỉnh Quảng Nam cũng đã đầu tư xây dựng 313 công trình cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống của người dân vùng DTTS. Trong đó, 92 công trình giao thông, 53 công trình trường học, 34 công trình nước sạch, 56 nhà sinh hoạt và 78 công trình khác.
Cũng từ nguồn vốn trên, địa phương đã hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 735 lao động, hỗ trợ đất ở cho 350 hộ, xóa nhà tạm cho 512 trường hợp và ổn định dân cư cho gần 600 hộ.
Với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo ở vùng DTTS&MN xuống còn 15%, thu nhập bình quân đầu người bằng 45% bình quân cả nước, UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, địa phương khẩn trương khắc phục những khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình MTQG 1719.
Cùng với đó, địa phương sẽ tăng cường lồng ghép các nguồn vốn, đẩy mạnh hỗ trợ sinh kế và hạ tầng thiết yếu cho vùng DTTS&MN.