UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định chủ trương dời nhà máy thép Việt Pháp lên lưu vực sông Vu Gia, đầu nguồn cung nước sạch cho hàng triệu dân - là hợp lý.
Thiết bị Trung Quốc, công nghệ trung bình khá
Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam chiều 13/10 một lần nữa khẳng định quan điểm di dời nhà máy thép Việt - Pháp vốn nhiều tai tiếng là hợp lý.
PGĐ Sở TNMT Quảng Nam Lê Thị Tuyết Hạnh cho biết, nhà máy thép Việt Pháp đặt ở Điện Bàn được tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường từ năm 2013. Trong quá trình hoạt động, cơ quan liên ngành đã nhiều lần kiểm tra công tác bảo vệ môi trường, kết quả các chỉ số đều trong ngưỡng cho phép.
Giám đốc công ty Việt Pháp Võ Thị Ngọc cho biết thiết bị nhà máy mua từ Trung Quốc. |
Tuy nhiên, lãnh đạo Sở TN-MT Quảng Nam cũng thừa nhận nhà máy này đã nhiều lần bị người dân Điện Bàn bao vây, phản đối. Bà Hạnh cho rằng, cụm công nghiệp Thương Tín 1 ở gần dân cư nên sẽ ảnh hưởng đến kinh tế xã hội và môi trường; do đó việc di dời nhà máy là cần thiết.
Là thành viên Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án, ông Huỳnh Ngọc Thạch nhìn nhận, chủ trương di dời nhà máy lên Nam Giang là hợp lý, góp phần phát triển bền vững.
“Nói dự án nào không gây ảnh hưởng đến môi trường là phi thực tế, nhưng phải xem nó có gây ảnh hưởng đến mức như quy định của Nhà nước hay không”, ông Thạch nói. Công nghệ hiện tại của nhà máy Việt - Pháp ở mức trung bình khá.
Bà Võ Thị Ngọc, Giám đốc Công ty Việt - Pháp cho biết thêm: “Thiết bị sản xuất tại Trung Quốc nhưng theo tiêu chuẩn Euro. Quy trình sản xuất được Thụy Sỹ cũng như Bộ KHCN kiểm chứng”.
Tuy thế, lãnh đạo UBND Quảng Nam tỏ rõ quyết tâm dời nhà máy lên đầu nguồn nước sạch ở lưu vực sông Vu Gia.
Trong một văn bản do PCT tỉnh Huỳnh Khánh Toàn ký trước đó, UBND Quảng Nam trấn an rằng, công nghệ sản xuất nhà máy luyện cán thép Việt Pháp là nấu sắt thép phế liệu ra phôi thép; khác với Formosa Hà Tĩnh là tổ hợp các nhà máy luyện cán thép, nhiệt điện...; Formosa Đồng Nai là khu liên hợp nhà máy sợi - hạt nhựa - nhiệt điện, không có nhà máy luyện cán thép.
Nhà máy thép Việt - Pháp ở Điện Bàn (Ảnh: Vietphapsteel.vn) |
Cụ thể, nhà máy thép này chủ yếu sản xuất loại phôi thép sử dụng nguyên liệu sắt, phế liệu để nấu mà không dùng quặng hay than cốc.
Công nghệ được dùng là sử dụng lò điện cảm ứng biến đổi điện năng thành nhiệt năng nấu chảy nguyên liệu sản xuất phôi thép nên chủ yếu phát sinh bụi, khí thải.
Nhà máy có 3 công đoạn xử lý bụi khí thải, trước khi xả ra môi trường bằng ống khói cao 30m. Nguồn nước cung cấp cho quá trình sản xuất là từ khe suối và nước ngầm của giếng khoan.
Đà Nẵng lo ngại
Dự án này không phải là đầu tư xây mới, mà là chuyển từ Thị xã Điện Bàn lên do người dân địa phương nhiều lần bao vây, phản đối vì sợ gây ô nhiễm mỗi trường.
Văn bản số 4887/UBND-KTN do PCT tỉnh Huỳnh Khánh Toàn ký cho rằng, Quảng Nam chỉ đang cho Công ty TNHH Thép Việt - Pháp khảo sát, nghiên cứu đầu tư nhà máy tại Thạnh Mỹ, mà chưa thống nhất tổng mức đầu tư dự án.
Thời gian qua, dư luận quan tâm và tỏ ra lo ngại khi tỉnh Quảng Nam đồng ý chủ trương đầu tư nhà máy luyện cán thép ở huyện miền núi Nam Giang.
Người dân Quảng Nam nhiều lần bao vây nhà máy thép Việt - Pháp. |
Mới đây, Chủ tịch TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã ký văn bản gửi UBND Quảng Nam, bày tỏ lo ngại khi Quảng Nam cho phép đặt nhà máy thép ở vị trí nhạy cảm đầu nguồn nước sông Vu Gia.
Lý do là vị trí này thuộc lưu vực sông Vu Gia, nơi cung cấp khoảng 250 ngàn m3 nước/ngày đêm cho nhà máy nước Cầu Đỏ, chiếm 99% nhu cầu nước sạch của TP. Đà Nẵng.
Cũng theo văn bản UBND Đà Nẵng gửi Quảng Nam, hai địa phương này vốn đã có thống nhất rằng, các dự án phát triển kinh tế - xã hội tác động nguồn nước lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn phải được xem xét, lấy ý kiến của 2 địa phương và các cơ quan Trung ương liên quan.
Cũng tại văn bản do ông Huỳnh Khánh Toàn ký, UBND Quảng Nam thừa nhận rằng, việc bố trí nhà máy luyện cán thép tại TX. Điện Bàn vốn là khu vực đông dân cư, nên trong quá trình vận hành đã gây ra tiếng ồn và khí thải khiến người dân phản đối.
Dù công ty đã có các biện pháp giảm thiểu tiếng ồn và khí thải, tuy nhiên người dân địa phương vẫn khiếu kiện kéo dài. Do vậy, UBND tỉnh có chủ trương di dời nhà máy thép tới khu vực xa dân cư.
...
Đình chỉ nhà máy xây trái phép trên đất lúa Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh vừa ký văn bản yêu cầu đình chỉ thi công nhà máy sản xuất và gia công áo mưa, bao bì, hạt nhựa, tấm màng nhựa các loại ở TX. Điện Bàn. Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan xem xét, xử lý trách nhiệm các cá nhân, tổ chức để xảy ra sai phạm. Trước đó, tuy chưa được cấp phép xây dựng, Công ty TNHH MTV Da Nang Palstic đã triển khai san lấp, xây dựng nhà máy ngay trên diện tích đất lúa. Trong khoảng 1 tháng, công ty đã xây xong phần thô công xưởng và đang trên đà hoàn thiện. |
Cao Thái