Mời quý độc giả theo dõi video:

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU “về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”.

Tỉnh ưu tiên dành nguồn lực lớn từ ngân sách nhà nước, tập trung đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo. tỉnh đã cụ thể hóa bằng Đề án và các chương trình, kế hoạch, trong đó giao các địa phương tập trung triển khai thực hiện 414 dự án đầu tư hạ tầng thiết yếu do ngân sách tỉnh hỗ trợ đầu tư.

Toàn tỉnh hiện đã hoàn thành 13/15 dự án giao thông động lực, kết nối vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo bằng nguồn vốn Chương trình; tiếp tục đẩy mạnh các dự án giao thông thực hiện qua Đề án tổng thể phát triển giao thông nông thôn…

Đến nay, 100% xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới được nhựa hoá hoặc bê tông hoá đường ô tô rộng đẹp; 100% các tuyến đường từ trung tâm xã đến các thôn, bản được bê tông hóa theo tiêu chí nông thôn mới.

Nhờ hệ thống đường giao thông liên thôn được cứng hóa, bà con đi lại, bán con lợn, con gà, bán gỗ rừng trồng khai thác cũng dễ dàng hơn nên đời sống bà con ngày càng khấm khá.

Điển hình như hộ gia đình anh Bế Văn Lị, người dân tộc Tày ở thôn Hồng Phong, xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên. Trước đây, để vào được khu vực thôn Hồng Phòng phải khu vực hồ lớn, chỉ có cầu treo tạm bợ, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Công việc giao thương, mua bán với bên ngoài bị hạn chế, vì vậy không phát triển được chăn nuôi, sản xuất. Vì sản phẩm làm ra, đưa ra ngoài tiêu thụ rất vất vả, giá trị thấp, dẫn đến đời sống người dân khó khăn, cái nghèo đeo bám.

Từ khi được tỉnh đầu tư, làm hệ thống cầu ngầm kết nối thôn Hồng Phong với các thôn khác, cùng với sự khuyến khích, hỗ trợ của địa phương, gia đình anh Bế Văn Lị đã thử nghiệm chăn nuôi gà Tiên Yên. Đường xá đi lại thuận tiện, việc mua bán dễ dàng, đến nay anh đã phát triển đàn gà lên 6000 con và thoát được hộ nghèo.

Việc tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng vùng DTTS và miền núi đã giúp đời sống người dân nơi đây ngày càng khởi sắc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của 7 địa phương đặc trưng vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh ở mức khá. Thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS và miền núi đạt mức cao so với vùng DTTS của cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo giảm nhanh và bền vững.