Với bờ biển dài 250 km, Quảng Ninh còn có vùng biển và hải đảo với địa hình độc đáo, số lượng đảo chiếm hơn 2/3 của cả nước. Các đảo này dàn trên mặt biển tạo nên một vùng nước được bảo vệ, che chắn rất tốt. Đây là tiềm năng và thế mạnh để Quảng Ninh phát triển nuôi biển.
Và tại một hội thảo vừa được tổ chức tại Quảng Ninh vào tháng 7/2023, ông Lê Bền, Phó Chủ tịch Hiệp hội biển Việt Nam, cho hay, vùng biển Quảng Ninh rộng lớn, nằm trong vùng biển vịnh Bắc Bộ, nơi đây có nguồn lợi thủy sản phong phú… rất thuận lợi để phát triển kinh tế biển, đặc biệt là ngành nuôi biển.
Xác định được tiềm năng và lợi thế trong phát triển nuôi biển, thực hiện chiến lược biển Việt Nam, chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam, từ năm 2014 đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành các Nghị quyết, Chỉ thị, Kế hoạch và Quy chuẩn địa phương về phát triển kinh tế thủy sản, từng bước thúc đẩy ngành thủy sản Quảng Ninh phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững.
Theo đó, hàng loạt các chính sách khuyến khích thu hút nguồn lực phát triển kinh tế thủy sản đã được tỉnh Quảng Ninh ban hành. Đồng thời, tỉnh cũng đề ra hàng loạt giải pháp như: Tăng nuôi trồng, giảm khai thác; tăng nuôi công nghiệp, thâm canh, siêu thâm canh, nuôi công nghệ cao, giảm nuôi tự nhiên, quảng canh…
Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã chú trọng tập trung hoạt động khai thác xa bờ, giảm khai thác gần bờ. Nhất là việc ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động nuôi trồng, sản xuất, góp phần tăng năng suất, sản lượng, chất lượng trong sản xuất.
Với những chính sách và giải pháp trên, hiện Quảng Ninh đã hình thành những vùng nuôi biển tập trung với các đối tượng hải sản chủ lực như: Các loài cá biển như cá song, vược, giò, chim vây vàng; nhuyễn thể như hàu, ngao, ngêu, tu hài...
Đặc biệt, tỉnh cũng đã xác định được hơn 9.300 ha khu vực biển dự kiến thu hút các dự án đầu tư nuôi trồng thủy sản, chiếm 20,2% tổng diện tích quy hoạch nuôi trồng thủy sản.
Trong định hướng phát triển của tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Quảng Ninh cũng xác định phấn đấu trở thành trung tâm nuôi trồng thuỷ sản của miền Bắc, tập trung phát triển nhanh các đối tượng nuôi chủ lực, nuôi công nghệ cao, công nghệ mới.
Theo đó, mục tiêu cụ thể, đến năm 2030, tổng giá trị sản xuất thủy sản toàn tỉnh ước đạt hơn 31 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng gấp hai lần so với năm 2020; tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 228 nghìn tấn; tổng giá trị xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 487 triệu USD, tạo việc làm cho hơn 50 nghìn lao động. Phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất ba khu, vùng nuôi trồng thủy sản được công nhận là vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.