Giữ thương hiệu bằng chất lượng

Để nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, thời gian qua Ban Chỉ đạo OCOP Quảng Ninh và các địa phương trên địa bàn tỉnh đã phối hợp để hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn; chú trọng những sản phẩm đặc trưng của địa phương; tích cực kiểm tra công tác vệ sinh ATTP; kiểm tra, ngăn chặn, tiêu hủy các mặt hàng không đạt tiêu chuẩn...

{keywords}
 

Nhằm chuẩn hóa các sản phẩm OCOP, Ban Chỉ đạo OCOP tỉnh Quảng Ninh còn đổi mới, siết chặt các tiêu chí đánh giá chất lượng sản phẩm trong cuộc thi đánh giá và xếp hạng sản phẩm. Cuộc thi đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh lần thứ IV, năm 2019 đã thu hút 103 sản phẩm của 63 tổ chức kinh tế trên địa bàn tỉnh đến tham gia, với 4 nhóm sản phẩm chính: Thực phẩm, đồ uống, thảo dược, trang trí - thủ công - mỹ nghệ. Trong đó, có 79 sản phẩm thi lần đầu, 4 sản phẩm đăng ký nâng hạng, 20 sản phẩm đăng cấp lại sao.

Song song với đó, Quảng Ninh cũng tích cực kiểm tra thực tế các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP đã hết hạn cấp lại sao sau 3 năm theo quy định; rà soát tem nhãn toàn bộ các sản phẩm OCOP; xử lý nghiêm các tổ chức sản xuất có sản phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn, đưa ra khỏi chương trình.

Tới nay, việc cấp quyền sử dụng nhãn hiệu OCOP Quảng Ninh cho các sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên của 14 địa phương đã được hoàn thành; trên 80% sản phẩm thuộc chương trình OCOP đã được dán tem điện tử và mã số mã vạch.

Đưa sản phẩm OCOP vươn xa

Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2019 đã có 97 sản phẩm đạt yêu cầu tham gia chương trình OCOP, tăng 67 sản phẩm so với chỉ tiêu đề ra của năm 2019 là 30 sản phẩm. Trên địa bàn Quảng Ninh đã có 164 tổ chức kinh tế và cơ sở sản xuất trực tiếp tham gia chương trình OCOP.

Hiện Quảng Ninh đã có 421 sản phẩm (ở tất cả các nhóm ngành hàng) tham gia vào chu trình OCOP, trong đó có 196 sản phẩm đạt từ 3 - 5 sao, được kiểm duyệt rất kỹ về chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ, nhận diện thương hiệu.

Để phát triển sản phẩm OCOP, Quảng Ninh còn tổ chức thi thiết kế logo, bao bì sản phẩm, quy hoạch, đầu tư xây dựng hệ thống trung tâm và điểm bán hàng OCOP trên địa bàn tỉnh; tổ chức các kỳ hội chợ, triển lãm sản phẩm, tuần xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP...

{keywords}
 

Tỉnh duy trì và tổ chức thành công các hội chợ OCOP thường niên cấp tỉnh (2 lần/năm). Qua 9 kỳ hội chợ thường niên OCOP cho thấy chương trình ngày càng nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân, kỳ sau cao hơn kỳ trước, bình quân thu hút từ 60 - 70 ngàn lượt người tới tham quan, mua sắm, doanh thu bán hàng trực tiếp của các gian hàng đạt trung bình 12 - 15 tỷ đồng/kỳ hội chợ...

Tới nay các sản phẩm OCOP của tỉnh đã có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng. Nhiều sản phẩm như miến dong, ruốc hàu, ruốc cơ trai, chả mực, trà hoa vàng… đã có thị phần tại các tỉnh, thành phố lớn trong nước như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM.

Doanh số bán hàng OCOP của các đơn vị nhờ thế đều tăng bình quân từ trên 40% năm, cá biệt có doanh nghiệp doanh thu tăng 100%.

Theo kế hoạch năm 2019, tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các địa phương hoàn thành việc phê duyệt và triển khai dự án phát triển 31 sản phẩm OCOP chủ lực cấp huyện. Trong đó, tập trung phát triển 12 sản phẩm cấp tỉnh và 6 sản phẩm định hướng cấp quốc gia. Đồng thời, gắn phát triển sản phẩm OCOP chủ lực với việc thúc đẩy phát triển 18 vùng quy hoạch sản xuất nông nghiệp tập trung. Sản phẩm chủ lực phải đảm bảo gia tăng cao về giá trị kinh tế, phát triển thương hiệu và đảm bảo an toàn thực phẩm.

Tỉnh cũng đẩy mạnh công tác quảng bá thương hiệu, hỗ trợ xúc tiến thương mại, hỗ trợ về khoa học công nghệ để nâng cao năng suất chất lượng và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Từ đó, khẳng định chất lượng sản phẩm, lan tỏa thương hiệu OCOP trong và ngoài nước.

N.H