UBND tỉnh Quảng Ninh vừa ban hành văn bản số 3401/QĐ-UBND phê duyệt danh mục các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm) chủ lực cấp tỉnh và định hướng sản phẩm OCOP cấp quốc gia giai đoạn 2018-2020.

Danh mục chuỗi sản phẩm OCOP chủ lực cấp tỉnh có 12 sản phẩm gồm: Du lịch làng quê Yên Đức và các sản phẩm du lịch trải nghiệm văn hóa làng quê; gốm sứ mỹ nghệ; nước khoáng thiên nhiên Quang Hanh và các sản phẩm từ nước khoáng Quang Hanh; mực và các sản phẩm từ mực; ba kích và các sản phẩm từ ba kích; chè Đường Hoa và các sản phẩm từ chè; hàu và các sản phẩm từ hàu; miến dong Bình Liêu; ngọc trai Hạ Long và các sản phẩm chế tác từ ngọc trai; lợn Móng Cái và các sản phẩm từ lợn Móng Cái; trà hoa vàng và các sản phẩm từ trà hoa vàng; gà Tiên Yên và các sản phẩm từ gà Tiên Yên.

{keywords}
 

Về định hướng sản phẩm OCOP cấp quốc gia giai đoạn 2018-2020 gồm các chuỗi sản phẩm: Du lịch làng quê Yên Đức và các sản phẩm du lịch trải nghiệm văn hóa làng quê; gốm sứ mỹ nghệ; nước khoáng thiên nhiên Quang Hanh và các sản phẩm từ nước khoáng Quang Hanh; mực và các sản phẩm từ mực; ngọc trai Hạ Long và các sản phẩm chế tác từ ngọc trai; lợn Móng Cái và các sản phẩm từ lợn Móng Cái.

Năm 2018 là năm thứ 2 Quảng Ninh thực hiện chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020 với mục tiêu hướng mạnh việc sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng thương hiệu, đảm bảo quy mô, tính chuyên nghiệp để khẳng định thương hiệu OCOP của tỉnh Quảng Ninh.

Bắt đầu từ năm 2013, đến nay Chương trình OCOP tỉnh Quảng Ninh đã góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất, từ chỗ chỉ có 40 sản phẩm có địa chỉ hàng hóa của bà con nông dân, cho đến nay, toàn tỉnh đã có 291 sản phẩm, trong đó 85 sản phẩm đạt sao (bao gồm 5 sản phẩm 5 sao, 46 sản phẩm 4 sao và 34 sản phẩm 3 sao).

{keywords}
 

Hiện nay, toàn tỉnh đã phát triển được 32 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, góp phần tiêu thụ mạnh sản phẩm cho người dân, giải quyết việc làm, tăng thu nhập.

Trong thời gian tới, Quảng Ninh tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, đưa sản phẩm OCOP trở thành hàng hoá có thương hiệu, trong đó có những sản phẩm mang thương hiệu quốc gia. Toàn tỉnh phấn đấu đạt 250 sản phẩm được đăng ký OCOP (bao gồm hoàn thiện 130 sản phẩm đã có, phát triển mới 120 sản phẩm), trong đó có 12 sản phẩm cấp tỉnh; đưa 6 sản phẩm cấp tỉnh đủ điều kiện tham gia vào chuỗi sản phẩm quốc gia. Mỗi địa phương lựa chọn ít nhất 2 sản phẩm (phấn đấu 31 sản phẩm) để tạo vùng sản xuất tập trung và xây dựng nâng cao thương hiệu. Bên cạnh đó, phấn đấu phát triển mới ít nhất 20 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP, nâng tổng số tổ chức kinh tế tham gia OCOP lên 200 đơn vị.

Ngọc Minh