Góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế vùng nông thôn, Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) ngày càng phát huy hiệu quả và trở thành thương hiệu riêng của tỉnh Quảng Ninh.

Khẳng định thương hiệu

Năm 2018 là năm thứ 2 Quảng Ninh thực hiện chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020 với mục tiêu hướng mạnh việc sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng thương hiệu, đảm bảo quy mô, tính chuyên nghiệp để khẳng định thương hiệu OCOP của tỉnh Quảng Ninh.

Bắt đầu từ năm 2013, đến nay Chương trình OCOP tỉnh Quảng Ninh đã góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất. Từ chỗ chỉ có 40 sản phẩm và 30 đơn vị tham gia, đến nay tổng số sản phẩm tham gia chương trình OCOP của tỉnh đã lên đến 362 sản phẩm (nhóm thực phẩm 179, đồ uống 60, thảo dược 46, thủ công mỹ nghệ 7, dịch vụ 2). Trong đó, 131 sản phẩm đã đạt sao (7 sản phẩm đạt 5 sao, 56 sản phẩm đạt 4 sao, 68 sản phẩm đạt 3 sao). Có 145 tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tham gia OCOP; trong đó có 44 doanh nghiệp, 64 hợp tác xã, 56 hộ sản xuất.

{keywords}
 

Hiện nay, toàn tỉnh đã phát triển được 32 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, giúp người dân địa phương phát huy được những lợi thế sản phẩm độc đá có giá trị cao ở địa phương.

Doanh thu từ sản phẩm OCOP Quảng Ninh ngày càng cao. Trong 6 tháng đầu năm 2018 đạt trên 239 tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ 2017; lợi nhuận đạt 27,7 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ 2017; tạo việc làm cho 3.532 lao động với mức thu nhập bình quân từ 5-9 triệu đồng/người/tháng. 

Phát triển các sản phẩm chủ lực

Mới đây Quảng Ninh đã phê duyệt danh mục các sản phẩm OCOP chủ lực cấp tỉnh và định hướng sản phẩm OCOP cấp quốc gia giai đoạn 2018-2020.

Danh mục chuỗi sản phẩm OCOP chủ lực cấp tỉnh có 12 sản phẩm, Các sản phẩm này gồm: Du lịch làng quê Yên Đức và các sản phẩm du lịch trải nghiệm văn hóa làng quê; gốm sứ mỹ nghệ; nước khoáng thiên nhiên Quang Hanh và các sản phẩm từ nước khoáng Quang Hanh; mực và các sản phẩm từ mực; ba kích và các sản phẩm từ ba kích; chè Đường Hoa và các sản phẩm từ chè; hàu và các sản phẩm từ hàu;

Cùng với đó là miến dong Bình Liêu; ngọc trai Hạ Long và các sản phẩm chế tác từ ngọc trai; lợn Móng Cái và các sản phẩm từ lợn Móng Cái; trà hoa vàng và các sản phẩm từ trà hoa vàng; gà Tiên Yên và các sản phẩm từ gà Tiên Yên.

{keywords}
 

Về định hướng sản phẩm OCOP cấp quốc gia giai đoạn 2018-2020, Quảng Ninh xác định có các chuỗi sản phẩm: Du lịch làng quê Yên Đức và các sản phẩm du lịch trải nghiệm văn hóa làng quê; gốm sứ mỹ nghệ; nước khoáng thiên nhiên Quang Hanh và các sản phẩm từ nước khoáng Quang Hanh; mực và các sản phẩm từ mực; ngọc trai Hạ Long và các sản phẩm chế tác từ ngọc trai; lợn Móng Cái và các sản phẩm từ lợn Móng Cái.

Trong quý IV/2018 tỉnh Quảng Ninh sẽ tổ chức Tuần xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP Quảng Ninh năm 2018. Tỉnh sẽ tổ chức 3 ngày/tuần (vào các ngày cuối tuần của tháng) theo hình thức chuỗi sự kiện lưu động trên địa bàn các địa phương: thị xã Đông Triều, Quảng Yên, huyện Hải Hà, thành phố Móng Cái và Cẩm Phả nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã và cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP Quảng Ninh mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm tại các khu vực chợ truyền thống, khu công nghiệp, khu dân cư.

Mô hình sẽ được nhân rộng

Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” được tỉnh Quảng Ninh xây dựng và triển khai từ cuối năm 2013, thông qua việc nghiên cứu và học tập phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” (OVOP) của Nhật Bản và “Mỗi cộng đồng một sản phẩm” (OTOP) của Thái Lan. Chương trình tập trung phát triển sản phẩm từ những lợi thế về tài nguyên, văn hóa, lao động ở khu vực nông thôn bằng chính sự tổ chức của cộng đồng, thông qua đó, nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho cư dân nông thôn và phát triển một cách bền vững.

OCOP Quảng Ninh được hình thành với mục tiêu: Hỗ trợ hoàn thiện quy trình sản xuất, phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm đặc sản địa phương từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm trên thị trường. Trên cơ sở nguyên lý hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị hoàn chỉnh (từ sản xuất - thu hoạch -  chế biến - tiêu thụ) để gia tăng giá trị nguyên liệu bản địa.  Chương trình OCOP xác định 2 đối tượng quan trọng là sản phẩm (sản phẩm và dịch vụ) và tổ chức kinh tế (tập trung vào HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ).

Từ mô hình rất thành công tại tỉnh Quảng Ninh nhiều năm qua, vào tháng 5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Mỗi xã Một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020 (OCOP) để triển khai trên phạm vi cả nước. Đây cũng là nhiệm vụ trong triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Ng.Hân