Với tầm quan trọng của mã số vùng trồng (MSVT) và mã số cơ sở đóng gói, những năm qua trên địa bàn tỉnh Quảng Trị một số địa phương, doanh nghiệp đã tiến hành thiết lập mã số, đặc biệt là các vùng trồng chuối của huyện Hướng Hóa đã được cấp mã số để có thể thực hiện xuất khẩu.
Huyện Hướng Hóa hiện có trên 3.500 ha chuối, tập trung chủ yếu tại các xã vùng Lìa, Tân Long, Tân Lập và một phần diện tích được người dân địa phương thuê đất trồng ở Lào.
Với 9 MSVT được cấp cho hơn 2.000 ha chuối, hàng năm sản xuất 24.000 tấn chuối mật mốc trên địa bàn Hướng Hóa là điều kiện thuận lợi cho nhiều doanh nghiệp tiến hành xây dựng cơ sở đóng gói xuất khẩu sang thị trường các nước, bên cạnh đó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã tiến hành làm hồ sơ cấp MSVT trên cây chanh leo, 2 MSVT trên lúa, 1 mã số cơ sở đóng gói chuối đề nghị Cục BVTV đàm phán với các nước nhập khẩu để cấp mã số.
Ngoài việc cấp MSVT để phục vụ xuất khẩu, trong 2 năm qua các địa phương đã quan tâm đến việc cấp MSVT phục vụ cho thị trường trong nước để có thể theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất; kiểm soát chất lượng sản phẩm; truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng.
Đến nay đã có 10 cơ sở sản xuất được cấp MSVT trên cây lúa, hồ tiêu, lạc, đậu xanh, chanh leo, cây dược liệu...
Theo đó, một vùng trồng cần đáp ứng các yêu cầu cơ bản sau để được cấp mã số phục vụ xuất khẩu:
Vùng trồng áp dụng thực hành nông nghiệp tốt; có quy trình sản xuất chung và sử dụng thống nhất một quy trình quản lý sinh vật gây hại; các hoạt động ở vườn trồng được ghi chép đầy đủ phục vụ truy xuất nguồn gốc; nhân sự chủ chốt được tập huấn về giám sát và kiểm soát sinh vật gây hại; đảm bảo thực hiện đúng các quy định về sử dụng thuốc và phòng chống sinh vật gây hại. Diện tích của vùng trồng tối thiểu là 10 ha trừ trường hợp nước nhập khẩu có yêu cầu khác. Theo dõi tình hình sinh vật gây hại thường xuyên; ghi chép đầy đủ về tình hình sinh vật gây hại. Có biện pháp quản lý cụ thể cho từng nhóm sinh vật gây hại theo nông sản để bảo đảm tình trạng sinh vật gây hại ở mức độ thấp. Khuyến khích áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) hoặc quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM).
Vùng trồng chỉ được sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam và sử dụng phân bón được phép lưu hành tại Việt Nam, đảm bảo không sử dụng các hoạt chất cấm theo quy định của nước nhập khẩu. Vùng trồng tuân thủ quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc bốn đúng, hướng dẫn của nhà sản xuất và đảm bảo thời gian cách ly và có biện pháp thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật và bao bì phân bón đã qua sử dụng theo quy định.
Sau khi được cấp mã số, việc đào tạo và nâng cao nhận thức cho người nông dân về quy trình sản xuất, quy định về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cũng cần được đẩy mạnh nhằm phục vụ quản lý tốt những vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số. Một trong những giải pháp nâng cao hiệu quả của công tác này là tạo ra sự chủ động hơn nữa của các địa phương trong việc tiếp cận các quy định và tổ chức thực hiện phù hợp với điều kiện tại địa phương.