Từ tháng 8/2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã xảy ra 01 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N8 tại thôn Bản Chùa, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ (01 ổ dịch xảy ra vào ngày 20/8/2021). Nguyên nhân xác định ban đầu là do người chăn nuôi mua con giống không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã kịp thời hướng dẫn các địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp xử lý ổ dịch và tổ chức các biện pháp phòng chống dịch Cúm gia cầm như: Lấy mẫu xác định nguyên nhân gia cầm mắc bệnh; tiêu hủy toàn bộ đàn gia cầm mắc bệnh ngay sau khi có kết quả xét nghiệm; thực hiện tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi toàn xã có dịch; tổ chức tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm cho toàn bộ đàn gia cầm tại xã có dịch và các đàn gia cầm nuôi mới chưa tiêm phòng, đàn gia cầm hết thời gian miễn dịch tại các xã, thị trấn trong toàn huyện; điều tra dịch tễ ổ dịch; chia sẻ thông tin dịch bệnh với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để chỉ đạo theo dõi, giám sát sức khỏe những người tiếp xúc trực tiếp với ổ dịch…
Tiêu hủy gia cầm mắc bệnh |
Để chủ động phòng tránh dịch cúm gia cầm bùng phát và lây lan diện rộng tại các địa phương, đề nghị bà con chăn nuôi gia cầm, phải tuân thủ quy định phòng chống dịch, cụ thể như sau:
1) Không mua gia cầm giống trôi nổi không rõ nguồn gốc. Gia cầm mua từ tỉnh khác về nuôi phải có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y cấp và phải nuôi cách ly tối thiểu 14 ngày mới cho nhập đàn nuôi tại địa phương.
2) Thực hiện nghiêm túc việc kê khai đăng ký chăn nuôi với UBND xã, phường, thị trấn để được theo dõi, hỗ trợ.
3) Chấp hành đúng lịch tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm và các loại vắc xin khác theo khuyến cáo của cơ quan thú y nhằm tạo miễn dịch chủ động cho đàn gia cầm với các loại dịch bệnh nguy hiểm. Riêng vắc xin cúm gia cầm phải thực hiện tiêm được 2 mũi (tiêm mũi 1 khi gia cầm được 14 ngày tuổi và tiêm nhắc lại mũi 2 sau khi tiêm mũi 1 là 28 ngày).
4) Tích cực thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại từ 1-2 lần/tuần. Địa phương có ổ dịch cúm gia cầm thực hiện tiêu độc khử trùng 2-3 lần/tuần. Khu vực trại chăn nuôi có ổ dịch thực hiện tiêu độc khử trùng 01 lần/ngày, liên tục trong 3-4 tuần.
5) Khu vực trại chăn nuôi có ổ dịch cúm gia cầm không được nuôi gia cầm ít nhất là 3 tháng.
6) Khi gia cầm mắc bệnh chết nhiều không rõ nguyên nhân phải báo ngay cho chính quyền địa phương và Trạm Chăn nuôi và Thú y cấp huyện để được kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm xác định nguyên nhân mắc bệnh.
7) Tổ chức tiêu hủy gia cầm mắc bệnh, chết theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Tuyệt đối không được vứt xác gia cầm chết ra môi trường. Những người tiếp xúc với đàn gia cầm mắc bệnh Cúm A phải liên hệ với cơ quan y tế để được giám sát sức khỏe theo quy định.
Bạch Hân