Tỉnh Quảng Trị đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có thêm 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 81/101 xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 9 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu).

Cùng với đó, tỉnh phấn đấu không còn xã đạt dưới 13 tiêu chí; có ít nhất 40% số thôn (72/178 thôn) thuộc các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.

Đây được xem là thách thức không nhỏ khi những xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn này đa phần là xã khó khăn. Hơn nữa, nhiều xã đã đạt chuẩn có nguy cơ “rớt” chuẩn nông thôn mới do bị sụt giảm tiêu chí khi đánh giá lại theo Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

capture.jpg
Huy động sức dân để hoàn thiện, duy trì và giữ vững, nâng cao các tiêu chí nông thôn mới đã đạt.

Qua rà soát, đối chiếu, hiện nay có 48/69 xã đã đạt chuẩn trong giai đoạn 2016 - 2020 nhưng không đạt so với Bộ tiêu chí giai đoạn 2021 - 2025. Các tiêu chí bị “rớt” chủ yếu như giao thông, trường học, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, y tế, môi trường và an toàn thực phẩm, thu nhập, hộ nghèo, an ninh quốc phòng. Có nhiều tiêu chí rất khó và cần thời gian để thực hiện, một số tiêu chí còn bất cập.

Chính vì thế, cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Các sở, ban, ngành cần phát huy vai trò, trách nhiệm thành viên ban chỉ đạo trong việc hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương hoàn thiện và nâng cao chất lượng tiêu chí; thực hiện có hiệu quả công tác đỡ đầu cho các xã khó khăn được UBND tỉnh phân công.

Tăng cường kiểm tra, giám sát, nhất là đối với các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, các xã, huyện phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới trong giai đoạn này để có giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ hướng dẫn địa phương hoàn thiện các tiêu chí chưa đạt, khắc phục tiêu chí bị sụt giảm để đảm bảo mục tiêu chương trình đề ra.

Bên cạnh sự hỗ trợ của tỉnh, huyện và các ngành liên quan, các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới cần chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới một cách khoa học, bài bản, tránh tư tưởng bằng lòng, thỏa mãn, chạy theo thành tích. Có kế hoạch, lộ trình và giải pháp duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới theo bộ tiêu chí mới. Trong đó tập trung vào các tiêu chí bị giảm, tiêu chí khó thực hiện, phân công rõ trách nhiệm cho từng tổ chức, cá nhân đảm nhận.

Chủ động rà soát, ưu tiên bố trí nguồn vốn trung hạn 5 năm (giai đoạn 2021 - 2025) cho các công trình liên quan đến các tiêu chí bị giảm. Đồng thời lồng ghép các chương trình dự án, huy động sức dân để hoàn thiện, duy trì và tiếp tục giữ vững, nâng cao các tiêu chí nông thôn mới đã đạt.

* Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương

Quang Phong và nhóm PV, BTV