Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, đến nay, tỉnh có 108/116 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ hơn 93%; trong đó, có 5 xã nông thôn mới nâng cao gồm: Đông Yên (An Biên), Hòn Nghệ (Kiên Lương), Đông Thạnh (An Minh), Thạnh Hưng và Ngọc Thuận (Giồng Riềng).
Cùng với đó, tỉnh có 5/15 huyện, thành phố đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là Tân Hiệp, Giồng Riềng, Gò Quao, Vĩnh Thuận và thành phố Hà Tiên. Hiện, tỉnh đang trình Hội đồng Trung ương xét công nhận thêm hai huyện đạt chuẩn nông thôn mới là An Biên và Kiên Lương.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho biết, từ nay đến năm 2025, tỉnh Kiên Giang phấn đấu 100% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Đồng thời, tập trung xây dựng nông thôn mới theo chiều sâu, bền vững, nhất là xây dựng xã, huyện nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu và có ít nhất 30 xã nông thôn mới nâng cao và 15 xã nông thôn mới kiểu mẫu, từ 7 - 9 huyện nông thôn mới.
Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh kiểm tra, giám sát, hướng dẫn địa phương rà soát, nâng chất các tiêu chí đối với xã đạt chuẩn nông thôn mới, tiến mới xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Trên cơ sở khung cơ chế, chính sách của Trung ương và điều kiện thực tế địa phương, tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù để tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới, vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung quy mô lớn phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.
Bên cạnh đó, tỉnh xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập người dân. Chú trọng đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp gắn với liên kết theo chuỗi giá trị.
Cũng theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới đã góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn trên địa bàn tỉnh, nâng lên đời sống nhân dân. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật, kinh tế - xã hội, nhất là hệ thống điện, đường, trường, trạm, cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa, công trình thủy lợi… ngày càng được đầu tư cơ bản, đồng bộ và hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ nhu cầu sản xuất, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Đến nay, 100% số xã trong đất liền, với hầu hết hệ thống đường giao thông trên địa bàn và các đường liên ấp, liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa, tổng chiều dài hơn 6.810/9.565 km đường giao thông nông thôn, đạt tỷ lệ 71,2%. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội địa phương.