Quang Trọng là xã vùng cao còn nhiều khó khăn của huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng, cách trung tâm huyện 80 km, địa hình phức tạp, đường đi lại khó khăn. Toàn xã có 8 xóm, 504 hộ, 2.074 nhân khẩu, là nơi sinh sống của 3 dân tộc Tày, Nùng, Dao. Hộ nghèo của xã còn 317 hộ, chiếm 63,2%, hộ cận nghèo 63 hộ, chiếm 12,5%. 

img 20230406 101926.jpg
 Xã Quang Trọng đã đạt 9 tiêu chí nông thôn mới.

Những năm qua, để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền xã Quang Trọng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức như: Phát tờ rơi, phát loa, phát báo, tuyên truyền trực tiếp… Đổi mới hình thức thông tin, đẩy mạnh tuyên truyền xây dựng mô hình mới, vận động hội viên và nhân dân phát huy sức mạnh và vai trò chủ thể, góp sức xây dựng nông thôn mới.

Qua đó, nhân dân tích cực tham gia thực hiện các tiêu chí; huy động mọi nguồn lực, lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư xây dựng nông thôn mới; tăng cường công tác giám sát, đánh giá hiệu quả thực hiện chương trình. 

Địa phương cũng tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao sản lượng, giá trị nông sản; đổi mới tổ chức sản xuất trong nông nghiệp…       

Với sự nỗ lực đó, xã Quang Trọng đạt 9 tiêu chí nông thôn mới, 10 tiêu chí chưa đạt liên quan đến quy hoạch, giao thông, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, thông tin và truyền thông, nhà ở dân cư, thu nhập, nghèo đa chiều, môi trường và an toàn thực phẩm. 

Tuy nhiên, việc triển khai xây dựng nông thôn mới của xã vẫn gặp nhiều khó khăn do trình độ dân trí của một bộ phận nhân dân còn thấp; khó khăn trong việc áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất. Nguồn lực của xã còn hạn chế, nguồn vốn đầu tư trực tiếp của chương trình còn ít so với yêu cầu, nhiệm vụ và quy mô thực hiện các tiêu chí. 

Việc kêu gọi, thu hút các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn xã đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn khó khăn. Tập quán canh tác lạc hậu, một bộ phận nhân dân vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước. 

Cấp ủy, chính quyền xã trình xin chủ trương và tham mưu Huyện ủy triển khai các mô hình, dự án thực hiện nhiệm vụ đột phá về nông nghiệp, triển khai trồng cây thạch đen tại một số xóm trên địa bàn xã, áp dụng kỹ thuật vào chăm sóc cây nông nghiệp, đề án chăn nuôi trâu bò sinh sản, chăn nuôi lợn thịt... để tăng thu nhập cho người dân. Thế nhưng, trên địa bàn xã chưa hình thành được vùng sản xuất hàng hóa, kinh tế hộ nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng cao, sự phát triển của kinh tế gia trại còn hạn chế, người dân phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp dẫn đến thu nhập bình quân còn thấp, chưa ổn định.

Các tiêu chí về nhà ở, thu nhập, hộ nghèo, môi trường, điện, giao thông khó thực hiện, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành, nhất là nguồn kinh phí. 

Do đó, xã thành lập Ban Chỉ đạo nông thôn mới, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, đồng thời phân công các thành viên phụ trách thôn, xóm để hướng dẫn nhân dân thực hiện các tiêu chí. Đồng thời tăng cường công tác truyền thông đến từng thôn, bản với nhiều hình thức đa dạng, mới mẻ. 

Ngoài tuyên truyền trực tiếp, địa phương vận động qua các pano, áp phích, khẩu hiệu, loa truyền thanh di động, biểu dương gương người tốt, việc tốt, tấm gương cá nhân, tập thể điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới. Lồng ghép các cuộc thi tìm hiểu nông thôn mới qua các cuộc họp thôn, xóm… Tuyên truyền theo từng tiêu chí cụ thể. Ví dụ với tiêu chí hạ tầng - giao thông, xã tuyên truyền sâu rộng, ngõ cửa từng nhà, gặp từng người để chia sẻ về ích lợi của việc làm đường...

Từ đầu năm 2023 đến nay, xã huy động được 500 triệu đồng từ ngân sách Trung ương, trên 3 tỷ đồng nguồn ngân sách thực hiện theo cơ chế đặc thù để xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở. Trong đó, xây dựng mương bê tông Co Cọ - Nà Nghiềm, xóm Nà Cành; công trình mương thủy lợi Kéo Bây - Nà Bản; hoàn thiện hệ thống đường nông thôn với 5/8 xóm có đường ô tô đến trung tâm. 

Tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai và môi trường. Thực hiện các thủ tục ban đầu cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất cho hộ gia đình xóm Nặm Dạng, Pò Làng. 100% xóm có nhà văn hóa, trên 80% đường liên xã, đường trục xã được bê tông hóa. 86,8% hộ được sử dụng hệ thống thủy lợi tưới tiêu phục vụ sản xuất. Tỷ lệ người có việc làm, dân số trong độ tuổi lao động có khả năng tham gia lao động chiếm 88,77%. 100% người dân tham gia bảo hiểm y tế. 100% xóm, các hộ dân đạt danh hiệu gia đình văn hóa…

Về tiêu chí kinh tế, xã tuyên truyền và vận động nhân dân xây dựng các mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả trên lĩnh vực nông nghiệp gắn với tổ hợp tác, hợp tác xã hay các mô hình liên kết, phát triển kinh tế tập thể theo định hướng phát triển của địa phương và Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. 

Quỳnh Nga