Bên cạnh điều hòa, quạt là thiết bị được sử dụng phổ biến để làm mát cho không gian sống, làm việc của nhiều người. Tuy nhiên, quạt có thực sự phát huy hiệu quả khi nhiệt độ lên quá cao?
Quạt có giúp bạn mát hơn khi nhiệt độ từ 37 độ C trở lên?
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, quạt có thể giúp bạn cảm thấy mát hơn khi trời nóng, nhưng không đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe khi nhiệt độ cao quá mức.
CDC cho biết: “Quạt điện có thể mang lại sự thoải mái, nhưng khi nhiệt độ tăng cao, quạt sẽ không ngăn ngừa được các bệnh liên quan đến thời tiết nóng bức”.
Cơ quan này cho biết thêm, khi nhiệt độ cao tới mức đe dọa sức khỏe của bạn, điều hòa nhiệt độ sẽ có tác dụng hơn rất nhiều so với quạt.
“Điều hòa không khí là yếu tố mạnh nhất chống lại các bệnh liên quan đến nhiệt. Ở trong môi trường có điều hòa không khí dù chỉ vài giờ mỗi ngày sẽ làm giảm nguy cơ trên”, CDC nhận định.
Nếu nhà không có điều hòa nhiệt độ, CDC khuyên bạn nên đến một nơi công cộng, chẳng hạn như trung tâm mua sắm hoặc thư viện, trong các đợt nắng nóng.
Các cách khác để làm mát trong ngày nắng nóng:
Ngoài việc ngồi trong không gian có điều hòa, CDC cũng đề xuất nhiều cách khác để giữ mát khi nhiệt độ lên đến mức nguy hiểm, bao gồm:
- Dùng đồ uống mát, không cồn, chẳng hạn như nước lọc, nước hoa quả hoặc đồ uống thể thao
- Tắm nước lạnh
- Nghỉ ngơi trong không gian thoáng mát
- Mặc quần áo mỏng nhẹ
- Tránh ở bên ngoài trời, đặc biệt là tham gia các hoạt động gắng sức như tập thể dục, vào những thời điểm nóng nhất trong ngày
- Thoa kem chống nắng khi phải ra ngoài và nhớ thoa lại liên tục.
Vào mùa hè, người dân có nguy cơ mắc các bệnh liên quan tới huyết áp, đột quỵ do thay đổi nhiệt độ đột ngột. Ví dụ, bệnh nhân trong phòng máy lạnh ra ngoài trời nắng nóng hay tắm nước mát ngay sau khi ra nhiều mồ hôi.
Những người làm việc kéo dài dưới nắng nóng có nguy cơ mất nước cao, khiến tim đập nhanh, tụt huyết áp. Ngoài ra, thức ăn ôi thiu dẫn tới ngộ độc thực phẩm và các bệnh liên quan đường tiêu hóa.
Các dịch sốt xuất huyết, thủy đậu, tay chân miệng, viêm não Nhật Bản cũng dễ xuất hiện trong dịp giữa năm.
An Yên (Theo Charlotte Observer)