Tính cả mùa hè và mùa thu 2021, ông Bailenson – Giám đốc sáng lập Phòng Thí nghiệm tương tác con người ảo của Đại học Stanford – đã dạy hơn 260 sinh viên trong lớp học “Virtual People”. Có ngày, lớp học bàn về việc đọc sách qua Zoom, nhưng có khi cả lớp cùng gặp nhau trong VR để tham gia hành trình ảo với những hoạt động đa dạng, từ thiền tới triển lãm tác phẩm nghệ thuật.
Theo Giáo sư, dạy học bằng VR là “ước mơ của riêng mình”. Tuy nhiên, gần đây ông nhận ra các thiết bị đeo trên đầu (headset) như Quest 2 đã khá rẻ và phần mềm cũng đủ tốt để sử dụng. Ông không phải người duy nhất mang các lớp học lên VR. Khi headset VR ngày một tốt hơn và rẻ hơn, cũng như dịch Covid-19 buộc trường học nghĩ ra những cách thức học tập từ xa, ngày càng nhiều các nhà giáo dục – chủ yếu là đại học – mở lớp học ảo cho sinh viên. Thậm chí, trường Cao đẳng Morehouse còn tạo ra cả một khuôn viên kỹ thuật số, mô phỏng nhiều cảnh quan ngoài đời.
Vẫn còn nhiều câu hỏi về hiệu quả của VR trong giảng dạy, cũng như nguy cơ với đôi mắt và bộ não của người dùng trẻ. Headset cũng quá tầm với của nhiều người. Dù vậy, một số nhà giáo dục xem VR là công cụ học tập quan trọng trong tương lai.
“Zoom thật kinh khủng”
Sự trỗi dậy của các lớp học qua Zoom trong thời kỳ dịch bệnh đã mang đến cơ hội hoàn hảo cho VR. Farah Jan, Giảng viên Quan hệ quốc tế tại Đại học Pennsylvania, nhận xét: “Zoom thật kinh khủng”. Vài sinh viên của cô tắt camera và cô không thể biết họ có đang tập trung học bài hay không.
Hình ảnh từ lớp học ảo của Farah Jan, Giảng viên Đại học Pennsylvania. (Ảnh: CNN) |
Thay vì dạy từ xa 2 lần mỗi tuần, Jan được trường học chấp thuận cho tổ chức lớp học bằng VR. Cô sử dụng ứng dụng Aristotle tự thiết kế và phát triển với bạn. 10 sinh viên dùng headset Quest 2 và Quest 1 để gặp nhau trong lớp học ảo dưới dạng các hình đại diện kỹ thuật số (avatar). Một tấm bảng trắng ảo cho phép Jan trình chiếu slide và các tài liệu khác cho sinh viên.
Jan cũng suy nghĩ về tác dụng của công nghệ trong lớp học trực tiếp. Cô đang dạy 14 sinh viên, tất cả dùng Quest 2 mô phỏng khủng hoảng tại Nam Á, hình dung một khu vực của Ấn Độ bằng video 360 độ để học viên cảm thấy như có mặt trong sự kiện. Theo Jan, VR giúp lớp học tập trung hơn, sinh viên không bị phân tâm vào nhắn tin, kiểm tra email… Nếu bất kỳ ai trong số họ tháo headset ra trong lớp học VR, avatar của họ sẽ hạ thấp xuống một cách dễ nhận thấy.
Không chỉ cho sinh viên
VR không chỉ dành cho sinh viên. Từ tháng 2, trường tư Longview School sẽ cung cấp tiết học gym 2 giờ, tuần một lần, bằng VR cho học sinh từ lớp 5 đến lớp 10. Nó sẽ nhấn mạnh đến những thử thách tâm lý, phối hợp vận động và sức chịu đựng thông qua các ứng dụng, game.
Theo Mark Jacob, Giám đốc trường, họ có thể dùng những game này để phát triển kiến thức, kỹ năng xã hội, làm việc nhóm… Với Jacob, đây là một phần mở rộng của cách tiếp cận giáo dục hiện tại. Trường của ông thường sử dụng công nghệ hiện đại cho học tập. Học sinh của trường đã làm những thứ như viết game máy tính hay chơi game để học về các vấn đề như chiến tranh, thương mại.
Tuy các công ty bán headset VR thường giới hạn độ tuổi, Jacobs không lo lắng khi trẻ dưới 13 tuổi dùng headset vì họ giám sát chặt chẽ. Ông hi vọng vào mùa thu năm nay, headset sẽ được dùng trong các tiết học lịch sử cũng như khoa học, nghệ thuật và văn học.
Vẫn còn hạn chế
Dù những thiết bị VR rẻ hơn đáng kể, chúng vẫn đắt với nhiều trường, vốn đang khủng hoảng tài chính hoặc không nhận được trợ cấp để mua sắm công nghệ. Ngay cả khi VR phát triển hơn về tính năng, một số người đang nghiên cứu nó – bao gồm ông Bailenson – cũng cho rằng công nghệ mới đáp ứng được vài loại bài học, chủ yếu tập trung vào VR.
VR đang được sử dụng để hướng dẫn mọi người những thứ không thể mô phỏng trong thế giới thực, chẳng hạn cách ứng phó với thảm họa. Song công nghệ có thể gây phân tâm và mang tính tiểu thuyết hơn là hỗ trợ. Chính vì thế, cần nghĩ xem trường hợp nào phát huy tác dụng của VR rồi hướng vào đó, theo Chris Dede, Giáo sư Công nghệ học tập tại Trường Giáo dục sau đại học của Harvard.
Do VR mới bắt đầu được áp dụng, rất khó nói khi nào hay làm thế nào để nó hữu ích nhất. Eileen McGivney, sinh viên cao học tại Harvard – người đã giảng dạy bằng VR và đang nghiên cứu VR trong trường trung học – phát hiện để học sinh tự khám phá VR rồi thảo luận theo nhóm qua Zoom hiệu quả hơn nhiều.
Kathleen Curlee, cựu sinh viên Pennsylvania từng tham gia lớp học của giảng viên Jan, cho biết cô khá thích trải nghiệm này, đặc biệt so với một số hình thức học từ xa khác. Cô nhớ được bài học trong lớp VR tốt hơn. Trước đó, cô chưa từng sử dụng VR.
Du Lam (Theo CNN)
Hơn 50% trường đại học cung cấp chương trình đào tạo trực tuyến vào năm 2025
Đề án tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 – 2025 đặt mục tiêu đến năm 2025 có hơn 50% cơ sở giáo dục đại học cung cấp các chương trình đào tạo từ xa, trực tuyến.