Hàng ngày, vào 5h sáng, Mike Harrison lại ngồi vào bàn làm việc cùng với một hũ đất. Đất được lấy từ mộ của con trai anh. Anh đặt những ngón tay vào đất và nói chuyện với con. Bé Chase Dmitri Harrison qua đời ngày 8/7/2008. Hôm đó, “vào khoảng 5h chiều, một đồng nghiệp đã ngó đầu vào phòng làm việc và hỏi tôi có một con búp bê trong xe à?’”.

{keywords}
 

Mike đã quên cậu con trai mới 1 tuổi rưỡi trong chính chiếc xe bán tải của anh. Vợ chồng Mike đã nhận nuôi Chase từ Nga vào tháng 3 năm đó. Anh kể lại với trang USA Today, 8/7 là ngày thứ hai hoặc thứ ba mà Chase đến nhà trẻ. Và đó là ngày đầu tiên anh đưa con đi học.

Anh đã chạy ra xe và nhìn thấy một bóng hình qua cửa sổ. Anh bế cậu bé ra khỏi ghế ngồi. Anh chạy quanh bãi đỗ xe với thi thể con trai trong vòng tay. “Ôi Chúa ơi, ôi Chúa ơi, ôi Chúa ơi”, anh gào lên. “Hãy mang tôi đi, không phải là thằng bé”.

Nhiều trường hợp tương tự

Mike là một trong số các ông bố bà mẹ đang phải tiếp tục sống với nỗi dằn vặt rằng, đứa con họ bị chết khi nhiệt độ tăng vọt bên trong những chiếc xe bị khóa chặt giữa những tháng hè.

Từ năm 1990 đến nay, hơn 900 trẻ em đã tử vong trong những chiếc xe đóng kín như vậy ở Mỹ – một con số khiến nhiều người kinh ngạc. Như vậy, trung bình mỗi năm có 38 ca tử vong, đồng nghĩa với việc cứ 9 ngày lại có một đứa trẻ bị bỏ quên và thiệt mạng vì lý do đó.

{keywords}
 

Chỉ tính riêng tuần cuối tháng 7 và đầu tháng 8 vừa qua, Mỹ đã chứng kiến 4 trẻ em tử vong vì mắc kẹt trong những chiếc xe đóng kín, trong đó có một cặp sinh đôi ở Bronx, New York bị bố bỏ quên trên xe; một đứa trẻ mới biết đi bị bỏ lại trên xe của trường mẫu giáo; và một bé gái sơ sinh được tìm thấy trong xe tại một tiệm rửa xe ở Texas.

Những trường hợp này đã khiến con số tử vong tại Mỹ tăng lên đến 25 trường hợp trong năm 2019, tính đến ngày 2/8. Với số ca tử vong ngày một tăng cao, các tổ chức, phụ huynh, chính quyền và các chuyên gia đang tìm kiếm một phương án phòng ngừa những bi kịch này xảy ra.

Trang KidsAndCars.org đang vận động để thông qua một dự luật ở Quốc hội Mỹ, yêu cầu tất cả các phương tiện thế hệ mới phải cài thiết bị báo động an toàn trẻ em. Thiết bị này sẽ báo động bằng âm thanh, hình ảnh và cả một cảnh báo rung, được kích hoạt khi động cơ phương tiện được tắt đi. Những cảnh báo này sẽ nhắc nhở các phụ huynh “nhìn trước khi khóa cửa”.

Một số hãng sản xuất ô tô, bao gồm GM và Hyundai đã đưa các thiết bị này thành tiêu chuẩn trong các mẫu xe mới. 

Góc nhìn từ nghiên cứu khoa học

David Diamond, Giáo sư tâm lý học chuyên về khoa học nhận thức ở Đại học Nam Florida, đã dành suốt 15 năm qua để nghiên cứu về hiện tượng quên trẻ em trên xe. Giáo sư Diamond đã đưa ra một giả thuyết về việc tại sao người lớn lại có thể quên những đứa trẻ trên xe.

Ông cho rằng, có một lỗi sai trong hệ thống ghi nhớ. Theo ông, mọi người đều có hai hệ thống ghi nhớ. Một là “trí nhớ ngắn hạn”, liên quan đến ý định ghi nhớ những công việc thường ngày phải hoàn thành. Cái còn lại là “trí nhớ thói quen”, con người khi đó ở chế độ “tự lái”, nghĩa là tự hoàn thành những việc quen thuộc mà không thực sự có ý thức về chúng.

{keywords}
 

Khi phụ huynh quên mất về con mình vẫn còn ở trong xe, hệ thống đầu tiên đã thất bại. Sau đó, trí nhớ thói quen sẽ tiếp quản và khi đó, bất kể ý định ban đầu là gì, con người cũng sẽ tự động hoàn thành những công việc theo thói quen hàng ngày.

Cũng tương tự như việc khi bạn đang vội đi làm và bạn đặt cốc cà phê lên trên nóc xe hơi vậy, Janette Fennell, người sáng lập trang KidsAndCars.org cho biết. Bạn vào xe, không nghĩ đến việc phải lấy cốc cà phê xuống, đóng cửa xe, bắt đầu lái và chiếc cốc bay vèo xuống đất.

Đặc biệt, khi bạn quên làm một việc gì đó trong ý định mà hệ thống “tự lái” vẫn hoàn thành nốt công việc theo thói quen, não bộ sẽ tự “điền vào chỗ trống” và khiến bạn nghĩ rằng bạn đã hoàn thành công việc định làm rồi. “Một khi bạn đã mất ý thức, bạn sẽ lái xe đi quá trường mẫu giáo của con mà vẫn đến nơi làm việc một cách tự động, và bằng cách nào đó, não bộ lấp đầy khoảng trống”, ông Diamond cho biết.

“Khi phụ huynh ra khỏi xe và con họ vẫn ở bên trong, não bộ sẽ tự tạo nên một kí ức giả và bạn sẽ nghĩ rằng mình đã đến nơi làm việc rồi, nghĩa là mình chắc chắn đã phải thả con ở trường rồi. Vì đây là kịch bản ban đầu trong hệ thống trí nhớ ngắn hạn”, giáo sư giải thích. “Đôi khi bạn lái xe đến một địa điểm nào đó và khi đến đó, bạn còn không nhớ bạn đã tới đó bằng cách nào”. Đây chính là khi hệ thống trí nhớ thói quen nắm quyền kiểm soát.

"Thất bại trong trí nhớ ngắn hạn có thể dẫn đến nhiều trường hợp tai nạn: rơi máy bay do lỗi trí nhớ, các trường hợp cảnh sát quên rằng súng của họ đang nạp đầy đạn…”, ông Diamond viết trong nghiên cứu.

Việc một phụ huynh bỏ con lại trong xe không phải do bất cẩn; đó là một lỗi sai trong hệ thống trí nhớ, giáo sư này kết luận. 

Các bước đề phòng cho phụ huynh

KidsAndCars.org khuyến cáo phụ huynh nên tạo thói quen luôn luôn mở cửa sau mỗi khi đỗ xe, để các vật dụng thiết yếu như ví hay điện thoại ở ghế sau cùng con mình, hay yêu cầu giáo viên hoặc người chăm sóc liên lạc cho bạn nếu con bạn không đến đúng giờ.

{keywords}
 

Tổ chức này cũng khuyên các phụ huynh luôn luôn khóa xe để trẻ em không thể tự ý leo vào xe, dạy trẻ em ấn còi xe nếu chúng bị nhốt bên trong và không bao giờ để chìa khóa xe trong tầm với của trẻ em.

Anh Thư