Tiếng Hindi, được nói bởi hơn 40% dân số Ấn Độ, được Hiến pháp chỉ định là ngôn ngữ chính thức của Ấn Độ nhưng không phải là ngôn ngữ quốc gia/quốc ngữ. Thực tế, bởi sự đa dạng tôn giáo và sắc tộc nên chính sách ngôn ngữ của Ấn Độ không thiên vị bất kỳ một ngôn ngữ nào. Hiến pháp Ấn Độ công nhận 22 ngôn ngữ chính thức, bao gồm tiếng Hindi và tiếng Anh.

Tiếng Anh là ngôn ngữ bắt buộc trong giáo dục

Trong bối cảnh ngôn ngữ đa dạng của quốc gia tỷ dân, tiếng Anh đóng vai trò quan trọng và được sử dụng xuyên suốt trong giáo dục, kinh tế xã hội và hội nhập toàn cầu.

Việc đưa tiếng Anh vào hệ thống giáo dục của Ấn Độ bắt nguồn từ thời thuộc địa khi Đế quốc Anh thành lập các trường dạy tiếng Anh để phục vụ lợi ích hành chính và kinh tế của mình. Sau khi Ấn Độ giành được độc lập vào năm 1947, tiếng Anh vẫn giữ được vị thế nổi bật, nổi lên như một ngôn ngữ liên kết giữa các cộng đồng ngôn ngữ đa dạng của quốc gia này. 

hinh 1 49.png
Tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức thứ hai (sau tiếng Hindu) và bắt buộc trong giáo dục Ấn Độ.

Năm 1968, Bộ Giáo dục Ấn Độ đưa ra chính sách “Công thức ba ngôn ngữ” (Three Language Formula) theo Nghị quyết Chính sách Quốc gia, tuyên bố rằng 3 ngôn ngữ (bao gồm tiếng Anh) phải được dạy trong tất cả các trường công trên khắp Ấn Độ.

Việc đưa tiếng Anh vào chương trình giảng dạy ở trường học nhấn mạnh tầm quan trọng của ngôn ngữ này như một kỹ năng nền tảng cho sự thành công trong học tập và nghề nghiệp. Các cơ quan giáo dục Ấn Độ đã nỗ lực tiêu chuẩn hóa các phương pháp giảng dạy tiếng Anh, nhấn mạnh vào khả năng đọc, viết, nói và nghe. Các phương pháp sư phạm hiện đại tận dụng công nghệ và các công cụ học tập tương tác để nâng cao sự tham gia và kết quả của học sinh.

Ở một số bang của Ấn Độ, mô hình giáo dục song ngữ đưa ra cách tiếp cận đa sắc thái trong việc giảng dạy ngôn ngữ, tích hợp các ngôn ngữ của khu vực cộng đồng đó với tiếng Anh để bảo tồn di sản văn hóa đồng thời bồi dưỡng trình độ tiếng Anh. Những mô hình này tìm cách trang bị cho người học một vốn ngôn ngữ rộng hơn, đồng thời vẫn duy trì được nguồn gốc văn hóa của họ.

Sự “thống trị” của tiếng Anh được thấy rõ tại các cơ sở giáo dục đại học, nơi nó đóng vai trò là ngôn ngữ chung của giới học thuật. 

Với các chương trình bằng tiếng Anh ngày càng phổ biến trong các lĩnh vực từ khoa học và công nghệ đến quản lý và nhân văn, các trường đại học Ấn Độ đang thu hút một số lượng lớn sinh viên tìm cách khai thác lợi thế của tiếng Anh để thăng tiến trong học thuật và nghề nghiệp sau khi ra trường.

Ngôn ngữ của giới thượng lưu

Ước tính có hơn 125 triệu người ở Ấn Độ (chiếm hơn 10% dân số) nói tiếng Anh như ngôn ngữ thứ nhất, ngôn ngữ thứ hai hoặc ngoại ngữ.

hinh 2 38.png
 Ước tính có hơn 125 triệu người ở Ấn Độ (chiếm 10% dân số) nói tiếng Anh.

Theo khảo sát của Lok Foundation, tiếng Anh được sử dụng ở thành thị nhiều hơn là ở nông thôn Ấn Độ. Chỉ 3% số người được hỏi ở nông thôn cho biết họ có thể nói được tiếng Anh, trong khi con số này là 12% ở thành thị. Trong khi đó, 41% người giàu có thể nói được tiếng Anh so với dưới 2% người nghèo.

Một báo cáo 2014 cho thấy những người Ấn Độ thành thạo tiếng Anh kiếm được nhiều hơn 34% so với những người không nói ngôn ngữ này.

Người Ấn Độ tin rằng sự thịnh vượng của đất nước họ, cũng như của chính bản thân họ, hoàn toàn phụ thuộc vào việc không chỉ học tiếng Anh mà còn học nó như ngôn ngữ đầu tiên, theo Tạp chí Forbes. Ban đầu được giới thượng lưu thích đi du lịch sử dụng, tầm quan trọng của tiếng Anh tăng lên khi các công ty đa quốc gia tìm kiếm nhân viên thuộc tầng lớp trung lưu nói ngôn ngữ này. 

Trình độ thông thạo tiếng Anh gắn liền với khả năng tiếp cận các cơ hội kinh tế. Sự thống trị của ngôn ngữ này trong các lĩnh vực như CNTT, tài chính và các tập đoàn đa quốc gia đã khiến nó trở thành phần không thể thiếu cho sự thăng tiến nghề nghiệp tại Ấn Độ. 

Trong xã hội Ấn Độ vốn chênh lệch giàu nghèo, trình độ tiếng Anh thường được đánh đồng với địa vị xã hội, sự tinh tế và hiện đại. Những người nói tiếng Anh được nhìn nhận với sự ngưỡng mộ và tôn trọng, đặc biệt là ở môi trường đô thị nơi ngôn ngữ này phổ biến. 

Tiếng Anh lưu loát được coi là cửa ngõ dẫn đến việc làm sinh lợi, mức lương cao hơn và khả năng di chuyển xã hội, do đó củng cố mối liên hệ với địa vị ưu tú. Khả năng giao tiếp trôi chảy bằng tiếng Anh mang lại cảm giác thuộc về tầng lớp có học vấn cao, góp phần tạo nên sức hút của ngôn ngữ này như một chỉ dấu của đặc quyền.

Tử Huy