Chiều 23/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”.
Nhiều dự án 'đắp chiếu' gây lãng phí đất đai
Theo Nghị quyết, giai đoạn 2015 - 2023, thị trường bất động sản đã có những bước phát triển về quy mô thị trường, số lượng, quy mô dự án bất động sản, đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, từng bước đáp ứng nhu cầu về chỗ ở của người dân.
Tuy nhiên, việc ban hành và thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản vẫn còn một số tồn tại. Cụ thể, tình trạng chậm định giá đất là vướng mắc chính dẫn đến nhiều dự án bất động sản bị đình trệ. Nhiều dự án chưa thực hiện được các thủ tục về đầu tư xây dựng do phải chờ cơ quan quản lý nhà nước rà soát pháp lý, định giá đất.
Một số địa phương còn vi phạm pháp luật trong giải quyết thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng. Chi phí tài chính do vay tín dụng trong giá thành bất động sản còn cao, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Nghị quyết cũng nêu rõ, giai đoạn 2022 - 2023, nguồn cung bất động sản giảm mạnh so với giai đoạn trước. Giá bất động sản tăng cao gấp nhiều lần so với mức tăng thu nhập trung bình của đa số người dân.
Trong khi đó, số lượng lớn dự án bất động sản nhà ở gặp vướng mắc, chậm tiến độ, chậm triển khai, bị đình trệ, gây lãng phí về đất đai và nguồn vốn, làm gia tăng chi phí cho chủ đầu tư, tăng giá bán sản phẩm. Bất động sản du lịch, lưu trú gần như “đóng băng”, tiếp tục gặp vướng mắc về pháp lý.
Gỡ vướng ngay cho các dự án chậm triển khai
Trước những bất cập nêu trên, Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, địa phương hoàn thành việc ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật liên quan đến thị trường bất động sản theo thẩm quyền được giao.
Đồng thời, tiếp tục rà soát, khắc phục các tồn tại hạn chế trong giai đoạn 2015 - 2023 và các vướng mắc phát sinh mới, tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống người dân, bảo đảm điều kiện tiếp cận, sử dụng đất và các nguồn lực khác công bằng, công khai, hiệu quả.
Tập trung chỉ đạo công tác hướng dẫn và tổ chức thực hiện pháp luật về tài chính đất đai, trong đó chú trọng công tác định giá đất, xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất, bảo đảm duy trì mặt bằng hợp lý chi phí liên quan đến đất đai là chi phí đầu vào của nền kinh tế, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư.
Quốc hội yêu cầu có phương án giải quyết phù hợp, xử lý dứt điểm các dự án bất động sản gặp khó khăn, vướng mắc pháp lý, đình trệ do quá trình triển khai thực hiện kéo dài.
Đặc biệt, Chính phủ cần sớm nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các luật về thuế, có quy định về mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang để bảo đảm đồng bộ với những nội dung đổi mới trong pháp luật về đất đai, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất, thực hiện mục tiêu tái phân phối thu nhập.