Sau gần 2 năm sửa chữa, nâng cấp, hiện một số gói thầu trong dự án QL5 đã hư hỏng, lún sụt, tạo thành những "sống trâu", gây khó khăn, nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông. Điều đáng nói, trong lúc mặt đường xuống cấp, mức phí trên tuyến quốc lộ này đang được đề xuất tăng.

Quốc lộ 5 (QL5) có lưu lượng phương tiện lưu thông rất lớn, từ 30.000-32.000 lượt xe/ngày đêm. Năm 2013, trước tình trạng xuống cấp của tuyến đường này, Tổng cục Đường bộ VN đã ký kết hợp đồng đầu tư dự án cải tạo QL5 với Ngân hàng phát triển Việt Nam với số tiền là 794 tỷ đồng.

{keywords}
Điều chỉnh tăng mức thu phí QL5 dù quốc lộ này vẫn còn nhiều đoạn bị hằn lún, “sống trâu”. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, sau gần 2 năm sửa chữa, nâng cấp, hiện một số gói thầu trong dự án (đoạn qua thành phố Hải Phòng) đã hư hỏng, lún sụt, tạo thành những "sống trâu" gây khó khăn, nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông.

Ông Nguyễn Xuân Lâm, Phó cục trưởng Cục Quản lý đường bộ 1 (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, đơn vị được giao quản lý, bảo trì QL5 nên vẫn thường xuyên xử lý sự cố hằn lún trên tuyến đường, những đoạn bị lún dưới 2,5cm sẽ sử dụng máy cào để cào bằng mặt đường, còn những vị trí lún trên 5cm sẽ bóc lên dải thảm lại.

Tuy nhiên, hiện tuyến đường vẫn nằm trong thời gian bảo hành của đơn vị thi công dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp mặt đường QL 5 do Ban Quản lý dự án 3 đảm nhiệm.

Ông Lâm cho biết, mỗi năm, Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương cấp kinh phí khoảng 8 tỷ đồng để duy tu tuyến đường này.

Dù QL5 đang xuống cấp, mất an toàn giao thông nhưng đơn vị thu phí là Tổng công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) mới đây đã đề xuất lên Bộ GTVT và Bộ Tài chính xin điều chỉnh tăng kịch trần mức thu phí mà không tính toán đến việc bảo dưỡng, sửa chữa tuyến đường này.

Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Văn Huỳnh - Phó giám đốc Ban hành chính nhân sự VIDIFI cho hay, lý do xin tăng mức thu phí nhằm điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn đầu tư và bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ cần thiết đối với dự án đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng.

“VIDIFI được Thủ tướng Chính phủ giao làm chủ đầu tự dự án đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng theo hình thức BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao) từ ngày 20/1/2009 và được quyền thu phí QL5 đến hết thời gian kinh doanh BOT để hỗ trợ thu hồi vốn dự án”, ông Huỳnh cho hay.

Theo ông Huỳnh, mức phí tuyến QL 5 vẫn giữ nguyên từ những năm 2005 đến nay, trong khi toàn bộ các tuyến đường lân cận như QL 18, 21, 10 đều đã tăng.

“VIDIFI đã lập phương án tài chính của dự án đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng trong đó trình Bộ GTVT thẩm định, hỗ trợ phương án tài chính cho dự án này, năm 2015 mức phí trên QL5 sẽ tăng 45.000 đồng/xe dưới 12 chỗ ngồi. Từ ngày 1/4/2016, phí thu thấp nhất là 52.000 đồng/lượt/xe dưới 12 chỗ ngồi, cao nhất là 200.000 đồng/lượt/xe tải 18 tấn trở lên, container 40feet”, ông Huỳnh nói.

Khi được hỏi đến việc VIDIFI được thu phí tuyến đường này nhưng lại miễn trách nhiệm trong việc bảo dưỡng, sửa chữa...hiện giao cho đơn vị khác làm, ông Huỳnh cho rằng, đầu tư bảo trì mặt đường QL5 là của Bộ GTVT triển khai, thực hiện.

Hiện, VIDIFI vẫn phải trích lại 50% nguồn thu phí QL5 để đầu tư dự án cải tạo, khôi phục mặt đường này theo quyết định của Thủ tướng với tổng mức đầu tư là 800 tỷ đồng.

Trả lời về vấn đề mặt đường QL5 hết bảo hành trong năm nay, đồng thời nếu VIDIFI được thu phí kịch khung thì liệu có gia cố, sửa chữa nữa không? ông Huỳnh khẳng định: "Nếu Bộ GTVT giao duy tu, bảo trì thì VIDIFI sẵn sàng nhận và bản thân Tổng công ty sẽ thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước và thẩm quyền trách nhiệm, nghĩa vụ của nhà đầu tư trong việc quản lý, khai thác, duy tu bảo dưỡng".

Gia Văn