- Ngày 27/12, Cơ quan CSĐT Công an TP Long Xuyên (tỉnh An Giang) cho biết, đang phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ có liên quan và Ngân hàng TMCP Sài Gòn thương tín (Sacombank) chi nhánh An Giang để điều tra làm rõ đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua điện thoại. Trong vụ án này có quý bà đã bị lừa hàng trăm triệu.
Một đối tượng trong băng nhóm lừa đảo qua điện thoại bị bắt trước đó. |
Điển hình như bà Huỳnh Huôi (60 tuổi, ngụ TP Long Xuyên) bị lừa hơn 350 triệu đồng.
Trình báo với công an, bà Huôi cho biết, chiều 19/12, bà bất ngờ nhận được điện thoại của một người đàn ông xưng là trung tá công an, đang công tác tại cảnh sát hình sự tỉnh Bắc Ninh. “Cán bộ công an” này nói mình đang làm chuyên án ma túy lớn và bà Huôi biết có liên quan trong vụ án này.
Anh ta yêu cầu bà Huôi rút hết tiền trong các tài khoản ngân hàng chuyển vào số tài khoản do mình cung cấp để phục vụ điều tra, nếu không sẽ bị bắt giam. Quá hoảng sợ, bà Huôi đến ngân hàng và chuyển hơn 350 triệu đồng vào tài khoản cho “trung tá công an”. Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền bà Huôi gọi điện thoại cho “cán bộ công an” đó thì không được.
Tương tự, đến công an trình báo với vẻ mặt vô cùng hoảng hốt, bà Hồ Ngọc Ánh (58 tuổi, ngụ phường Đông Xuyên, TP Long Xuyên) khai mình bị lừa mất 52 triệu đồng.
Theo đó, khoảng 14h ngày 21/12, có một người đàn ông gọi điện thoại cho bà Ánh và xưng là cán bộ công an của cục C46 - Bộ Công an đang làm chuyên án ma túy lớn nói bà này có liên quan đến vụ án đang điều tra.
Người đàn ông hù dọa đã có lệnh bắt giam bà Ánh 2 tháng để phục vụ điều tra, nếu muốn tại ngoại phải chuyển 52 triệu đồng vào tài khoản để đảm bảo. Lo sợ bị bắt và tin vào lời nói của người đàn ông xưng danh “công an”, bà Ánh đến ngân hàng chuyển 52 triệu đồng vào số tài khoản của một người tên Nguyễn Thanh Tùng (ngụ Hà Nội).
Sau khi gửi tiền xong bà Ánh điện thoại lại cho “cán bộ công an” trước đó thì không liên lạc được, biết mình bị lừa đảo nên đã đến Công an TP Long Xuyên trình báo. Bà Ánh khẳng định mình và gia đình từ trước đến nay không có ai liên quan đến vụ án ma túy.
Theo cơ quan công an phương thức, thủ đoạn của loại tội pham này không mới, nhưng nhiều người dân chủ quan, mất cảnh giác, hiểu biết pháp luật còn hạn chế... nên dễ bị chúng lợi dụng lừa đảo.
“Cơ quan pháp luật không bao giờ thu thập những thông tin đó qua điện thoại. Nếu ai đó yêu cầu chuyển tiền vào các tài khoản cá nhân thì đó là bọn lừa đảo, vì cơ quan công an không có tài khoản mang tên cá nhân, cũng không bao giờ yêu cầu đương sự phải chuyển tiền để chứng minh mình vô tội”, cơ quan công an khuyến cáo.
Hoài Thanh