- Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch (Bộ KH&ĐT) dẫn câu chuyện tỉnh Phú Yên nói về tình trạng có nhiều quy hoạch đến nỗi Chủ tịch tỉnh run tay khi ký quyết định đầu tư vì “anh em tham mưu cứ bảo đúng quy hoạch nhưng mình không nhớ hết được”.
Trong hồ sơ chuẩn bị cho dự án luật Quy hoạch đưa ra QH thảo luận ngày mai, ông Vũ Quang Các, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch (Bộ KH&ĐT), Tổ trưởng Tổ soạn thảo dự luật này chỉ ra 9 điểm nổi bật, trong đó có việc giảm từ hơn 19.000 xuống xuống hơn 11.400 quy hoạch.
Ông Vũ Quang Các. Ảnh: Dân Trí |
Dự thảo luật còn điều chỉnh từ 4.362 quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh xuống còn 110 quy hoạch (giảm 97%).
Trong đó bao gồm 1 quy hoạch tổng thể quốc gia, 1 quy hoạch không gian biển quốc gia, 1 quy hoạch sử dụng đất quốc gia, 38 quy hoạch ngành cấp quốc gia, 6 quy hoạch vùng và 63 quy hoạch tỉnh.
Dự thảo luật cũng loại bỏ 708 quy hoạch tổng thể ở cấp huyện do được tích hợp vào quy hoạch tỉnh.
Nói về những con số đồ sộ về quy hoạch hiện nay, ông Các dẫn lại chuyện của Chủ tịch tỉnh Phú Yên Hoàng Văn Trà phát biểu tại phiên họp toàn thể của UB Kinh tế thẩm tra dự luật. Cụ thể ông Trà cho biết Phú Yên là mảnh đất nhỏ nhưng có hơn 200 bản quy hoạch đè lên.
“Có quá nhiều quy hoạch, nên ký quyết định đầu tư thấy run, vì anh em tham mưu cứ bảo đúng quy hoạch nhưng mình không nhớ hết được”, Vụ trưởng Vụ quản lý Quy hoạch dẫn lời Chủ tịch tỉnh Phú Yên.
Nhà đầu tư “dắt mũi” quy hoạch
Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT Đặng Hùng Võ nêu: “Có lẽ hiện nay, ngoại trừ TP Đà Nẵng, hầu hết các đô thị đang bị 'băm nát'”.
Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT Đặng Hùng Võ |
Ông chỉ ra 4 nguyên nhân: quy hoạch chồng quy hoạch, quy hoạch thay đổi liên tục, quy hoạch theo tư duy nhiệm kỳ và quy hoạch bị nhà đầu tư “dắt mũi”.
“Tôi xin nói thẳng, bất cứ nhà đầu tư nào có tiền đều có thể dẫn dắt quy hoạch bằng cách rất đơn giản là đề nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch với rất nhiều lý do, rất nhiều mỹ từ như đường cong mền mại, điểm nhấn không gian đô thị, điểm hội tụ…”, ông nói.
Ông cũng nêu thực tế người dân chẳng thấy những mỹ từ ấy ở đâu, chỉ thấy đất đai đô thị bị băm nát, công trình xây dựng lố nhố…
Báo cáo của Bộ KH&ĐT nêu tình trạng các ngành đều được giao làm quy hoạch ngành, một số ngành còn xuất hiện việc ngành phối hợp với DN lớn lập quy hoạch.
“Đây chính là điểm hở một số ngành cài cắm các điều khoản quy định có lợi cho mình vào quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, dẫn đến tình trạng dự án 'vào - ra' quy hoạch một cách thiếu căn cứ hay tình trạng xin-cho dự án đầu tư tùy tiện”, Vụ trưởng Các lưu ý.
Dẫn chứng ngay vụ việc đang nóng dư luận là Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà, Đà Nẵng, ông Các cho rằng đây là điển hình của cách làm đơn lẻ do cơ quan du lịch lập, không có sự tham gia của cơ quan bảo tồn thiên nhiên.
“Điều này dẫn đến không có sự xem xét tính toán lợi ích giữa phát triển du lịch trước mắt với yêu cầu bảo tồn cho lâu dài”, ông Các nói.
Theo thuyết minh của Bộ KH&ĐT, với các quy định cụ thể về điều kiện được điều chỉnh quy hoạch, trình tự và thủ tục điều chỉnh quy hoach, dự luật Quy hoạch sẽ khắc phục được thực trạng quản lý chia cắt, cục bộ ngành và tính cát cứ địa phương; không tạo cơ hội cho cơ chế xin - cho và chạy dự án vào quy hoạch.
Thay đổi tư duy tập trung bao cấp sang kinh tế thị trường
Ngoài ra, dự luật còn điều chỉnh chỉ còn 38 quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm từ gần 3.400 quy hoạch hiện có.
“Luật Quy hoạch ra đời sẽ chấm dứt các loại quy hoạch sản phẩm, cũng như các kiểu quy hoạch chẳng giống ai như quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo, quy hoạch cơ sở kinh doanh thuốc lá, quy hoạch tổ chức hành nghề công chứng, quy hoạch cá rô phi, quy hoạch dưa hấu...”, ông Các cho biết.
Theo dự luật Quy hoạch, việc quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm chỉ lập quy hoạch đối với các ngành kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường, xóa bỏ hoàn toàn các quy hoạch sản phẩm, thay đổi tư duy quản lý từ tập trung bao cấp sang phù hợp với kinh tế thị trường.
“Thực tế cho thấy nhiều cơ quan quản lý nào cũng muốn can thiệp sâu vào thị trường, chỉ huy thị trường, định hướng thị trường và làm thay thị trường”, ông Các nói và dẫn chứng quy hoạch ấn định cứng tối đa 150 thương nhân xuất khẩu gạo của Bộ Công thương từng gây nhiều tranh luận…
Theo ông Các, dự luật Quy hoạch sẽ tháo gỡ, phân biệt mạch lạc mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường. Nhà nước thực hiện chức năng kiến tạo, tạo động lực; thị trường tự quyết định và điều chỉnh chính mình.
Hiện có 95 luật và pháp lệnh đang chi phối lĩnh vực quy hoạch. Khi luật Quy hoạch ra đời sẽ chỉ còn 2 văn bản luật điều chỉnh về công tác quy hoạch. Đó là luật Quy hoạch điều chỉnh chung các loại quy hoạch tổng thể từ cấp quốc gia đến cấp tỉnh và luật Quy hoạch đô thị, nông thôn điều chỉnh các quy hoạch chi tiết từ cấp huyện đến cấp xã. Về việc sửa đổi, bổ sung các luật liên quan tới dự luật Quy hoạch, Bộ KH&ĐT cho biết qua rà soát có tới 44 luật liên quan, trong đó có 32 luật cần sửa đổi trong thời gian tới. Có 4 luật (luật Tài nguyên nước, Đất đai, Xây dựng, Quy hoạch đô thị) cần sửa nhiều hơn. Dự kiến 32 luật này sẽ được trình QH đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để sửa đổi sau khi QH thông qua luật Quy hoạch tại kỳ họp này. |
Thu Hằng